Phạm Công Thiện – Charles Chaplin và Tâm Hồn Nghệ Sĩ

« Con thú vật đau khổ nhứt ở trần gian này là con thú đã tạo ra tiếng cười .»
NIETZSCHE. (Volonté de Puissance, c. II, tr 368)

I.
Bản Limelight của Charles Chaplin là bản nhạc của Tuyệt Đối, tiếng ca vút trời thăm thẳm của một tâm hồn cô độc nhất trần gian. Nhân loại này còn đau khổ thì điệu nhạc Limelight tuyệt vời vẫn còn sống để tha thiết nuôi dưỡng xoa dịu nỗi đau đớn câm lặng khôn cùng của những con người vô danh ở dưới mọi phương trời.
Tôi chưa xem phim Limelight của Charles Chaplin, nhưng cần gì xem phim nữa, khi mà mình đã được nghe điệu Limelight bất tuyệt trong đời mình và qua điệu nhạc triền miên u ẩn ấy, mình đã cảm thấy hết tất cả những bi kịch xót xa nhất của con người, mình đã quì ôm sự đau khổ trong mười ngón tay nước mắt, mình đã run khi nghe thời gian trôi đi miên man trong gió đời heo hút và nhất là trong đêm khuya vô định nào đó, mình đã chợt bắt gặp một giòng sông xa xôi trong đôi mắt của một người ca sĩ giữa một đêm vui sắp tàn và rồi cuộc đời sẽ đi vào trong lãng quên, khi mà ánh đèn đã tắt, khi mà người nghệ sĩ đã trở về già?
Mỗi khi nhắc đến tên Charles Chaplin là tôi run run nói không ra lời, cũng như mỗi khi nghe nhắc đến Henry Miller hay Nijinsky hay Blaise Cendrars Hay Van Gogh.
Charles Chaplin. Charles Chaplin… Tên người gợi lên một mùa Thu, tên người gợi lên một mùa Đông, tên người gợi lên một mùa Xuân…
Tôi nghe người ta kể lại rằng vở Limelight nói lên tâm hồn bất diệt của một anh hề già, mặc dù đã bị đời lãng quên và sống bần cùng trong đói khổ và tuyệt vọng, nhưng vẫn tha thiết thương yêu cuộc đời.
Anh hề già này cứu một vũ nữ khỏi tự tử và mặc dù chính anh cũng là một kẻ tuyệt vọng chán đời, anh vẫn cố gắng hết sức an ủi, khuyến khích, gây tin tưởng cho cô vũ nữ trẻ đẹp này. Chính những cử chỉ của anh đã khiến nàng trở nên yêu đời và tin tưởng nơi mình. Rồi nàng trở lại cuộc sống, nhảy múa lại như xưa, chẳng bao lâu nàng bước lên tuyệt đỉnh của thành công và danh vọng; đang khi đó thì anh hề già tóc trắng chìm vào trong đêm tối, bị người đời quên lãng: thế rồi một hôm, đang lúc nàng vũ nữ trẻ đẹp vui tươi nhảy múa thì anh hề già gục chết âm thầm dưới ánh đèn sân khấu, không một ai hay biết.
Điệu đàn Limelight vây phủ trọn vở kịch: những kẻ nào chưa may mắn được xem phim, chỉ cần lắng nghe điệu nhạc Limelight là dũng cảm được những gì mà ngôn ngữ không thể nói lên được.
Đó là tiếng chấp nhận cuộc đời, chấp nhận một cách trọn vẹn: Cuộc đời càng tuyệt vọng, càng đen tối thì lại càng trở nên có ý nghĩa và lại càng đáng sống.
Tôi chỉ có thể sống nổi, khi tôi đau khổ. Càng đau khổ thì càng thấy rằng cuộc đời đẹp hơn. Charles Chaplin đã nói về ý nghĩa của vở kịch: “Trọn ý nghĩa của vở kịch chỉ là: đừng sợ sống” (That’s what it is, that is the whole story, not to be afraid to be alive).
– Không sợ sống
– Not to be afraid to be alive (Charles Chaplin)
Charles Chaplin đã nói lên một chân lý tuyệt vời nhất của cuộc đời:
KHÔNG SỢ SỐNG
NOT TO BE AFRAID TO BE ALIVE
Tôi phải lặp lại câu nói trên đến lần thứ hai và nếu cần thì cũng có thể lặp lại một triệu lần; mỗi tối trước khi ngủ và mỗi sáng trước khi thức dậy, chúng ta cần phải nói thầm câu trên, nói đi nói lại nhiều lần như một tín đồ Tịnh Độ tông niệm Phật hay một tín đồ Hésychaste niệm Chúa…
Chúng ta đã sợ sống, đó là lý do tại sao chúng ta đã đau khổ. Chỉ khi nào chúng ta không còn sợ sống nữa thì chính lúc ấy chúng ta mới được giải thoát. Charles Chaplin đã thể hiện câu “không sợ sống” bằng chính cuộc đời mình.
Cả tuổi trẻ của Charles Chaplin là những chuỗi ngày đau đớn tủi nhục nhất của một đời người; Charles Chaplin đã từng sống trong đói rét, đã đi làm lụng cực nhọc ngay từ lúc chưa đầy mười tuổi, đã chứng kiến những nỗi khổ lớn lao nhất đời ngay từ lúc Charles Chaplin chỉ là một đứa trẻ nhỏ ngây thơ. Mới 5 tuổi, Charles Chaplin đã bị mẹ đem bỏ ở viện mồ côi, vì bà không có tiền mua thức ăn cho con. Ở viện mồ côi, mặc dù mới 5 tuổi, Charles Chaplin đã trải qua những kinh nghiệm bẽ bàng nhất, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, thỉnh thoảng vẫn bị đánh đập mắng chửi tàn nhẫn; và trong 2 năm trời ở viện mồ côi, Charles Chaplin cũng ít được mẹ đến thăm. Đến năm 7 tuổi cậu bé mới được mẹ đem về nhà để sống những ngày lang thang tủi cực nghèo đói, thường đi rong ăn mày giữa những đường phố vỉa hè. Sau này, Charles Chaplin đã nhắc lại cho con trai nghe về quảng thời gian ấy: “Con phải tin tưởng nơi con, con ạ. Đó là sự huyền bí kỳ diệu. Ngay đến lúc mà cha bị bỏ ở viện mồ côi hay lúc mà cha đi rong hoang đàng ở những đường phố để kiếm chút ít đủ ăn để sống qua ngày thì ngay những lúc đó, cha vẫn tự nghĩ rằng cha là một kịch sĩ vĩ đại nhất ở thế giới. Cha phải cảm thấy sự phong phú triền miên ấy thoát ra từ lòng tự tin mãnh liệt, sự tin tưởng hoàn toàn nơi chính bản thân mình. Không có lòng tự tin ấy, con sẽ kiệt quệ đầu hàng ngay” (You have to believe in yourself, that’s the secret. Even when I was in the orphanage, when I was roaming the streets trying to find enough to eat to keep alive, even then I thought of myself as the greatest actor in the world. I had to feel that exuberance that comes from utter confidence in yourself. Without it you go down to defeat) (Charles Chaplin, Jr., My father Charlie Chaplin, tr. 11).
Charles Chaplin đã không sợ sống, chẳng những thế, ông đã sống trọn vẹn nhất, bi tráng nhất. Mặc dù cuộc đời mình chỉ gồm toàn những nỗi đau khổ bất tận, thế mà Charles Chaplin cũng đã làm hề (làm Charlot) để tạo Niềm Vui, gây ra tiếng cười ở khắp mọi phương trời. Hình ảnh Charlot đi vào lịch sử, đi vào Nghệ thuật. Élie Faure (cũng một thiên tài lạ thường) đã so sánh thiên tài Charles Chaplin với thiên tài Shakespeare (cf. J. Mitry, Charlot et la “Fabulation” chaplinesque, tr. 22, éditions universitaires. 1957).
Có người đã cho rằng Charles Chaplin là một bậc thánh, một loại thánh đứng ngoài vòng giáo đường, ngoài lề luật. Jean Duviyaud nói về Charles Chaplin như sau: “Dưới hình ảnh của anh hề người ta thấy ẩn hình ảnh Jésus; dưới nét mặt của một anh hề làm trò cười, người ta thấy một người chịu đóng đinh để cứu vớt nhân loại” (Jean Duvigaud. Le Mythe Chaplin trong Critique, Juillet 55).
Elie Faure là một thiên tài vô danh của văn học Pháp, là một nhà thẩm mỹ học đại tài nhất thế giới, đã ca tụng Charles Chaplin là “một thi hào vĩ đại, nhà thơ duy nhất của thời đại này đã nhìn đời dưới khía cạnh hùng tráng, một cách thường xuyên và đầy ý thức”.
Charles Chaplin đã chiến thắng được sự đau khổ vô hạn của đời mình, đã làm cuộc đời mình trở thành một bản đàn bất tuyệt, đã sáng tạo ra Niềm Vui vô hạn cho Nhân loại. Suốt đời, Charles Chaplin vẫn say sưa hăng hái:
– Ca ngợi Tình Thương giữa loài người;
– Chống đối chiến tranh;
– Chống đối chính trị;
– Chống đối đời sống kỹ nghệ máy móc.
Charles Chaplin đã bao lần kêu gọi chúng ta: “Các anh không phải là những cái máy! Các anh không phải là thú vật! Các anh là người! Các anh mang tình thương nhân loại trong tim các anh!” (cf. Pierre Leprohon, Charles Chaplin, trang 183, Nouvelles Editions Debresse). Một điều đáng để ý là Charles Chaplin rất ca ngợi Nijinsky (Nijinsky là một nghệ sĩ vũ sư người Nga, một thiên tài kỳ lạ, sau này trở nên điên; Nijinsky cũng là bạn thân của Charles Chaplin). Đáng để ý nhất là Charles Chaplin rất say mê Spengler và bộ “Sự Suy tàn của Tây phương”; Charles Chaplin cũng say mê Nietzsche, Emerson và Schopenhauer. Einstein và là bạn thân của Charles Chaplin, lúc sinh thời, Einstein thường đến nhà Chaplin và hai thiên tài cùng đàn vĩ cầm với nhau.

II.
Nói đến Charles Chaplin thì biết nói gì bây giờ, ngoài ra chỉ nói rời rạc như trên?
Charles Chaplin, tôi gọi tên người như gọi tên một rừng chim lạ, như gọi tên giòng sông Danube xanh màu đại dương.
Và sau cùng, tôi muốn trích lại đây lời của thi sĩ Blaise Cendrars nói về Charles Chaplin, một thiên tài nói về một thiên tài:
“Đặc tính của con người là mất, là chết. Chúng ta hãy gấp lên mà cười hết mọi sự. Cảm ơn Charlot!”
Hãy cười tất cả mọi sự!
Cười trước sự đau khổ, cười trước sự chết, cười trước tất cả những tủi nhục phũ phàng của đời sống.
Đó là con đường giải thoát duy nhất cho sự đổ vỡ hiện nay của nhân loại. Đó là đạo lý cuối cùng của con người không sợ sống; chúng ta có nên đưa Charlot lên ngôi Thượng đế?
P.C.T.

You may also like...