Tôi đã nghĩ rằng cuộc lữ miên trường của mình sẽ chấm dứt nơi đây, tại một căn lều cô quạnh giữa mù sương sơn dã.Vậy là, khi còn đủ sức để tung hoành, để vẫy vùng, để khổ đau lẫn hạnh phúc thì người ta lên phố thị, còn khi lòng trống trải bình yên, chất chứa hư vô thì lại về với núi biếc hồ xanh…
Ngồi xuống bên trời ngâm câu ca
Rũ mảnh trần y động yên hà
Mấy giấc kiêu sa thân chuếnh choáng
Rừng thu ngập cả một màu xa.
Nhưng rồi lại đi, bến bờ nào rồi cũng chỉ là bến bờ. Sông muôn kiếp trôi.
Vậy, Tiểu Sư Phụ đi đâu? Cô bé hỏi. Nhìn đôi mắt thủy sắc, tôi trả lời – trả lời với chính mình, đi đâu à? Tôi cũng hỏi câu này nhiều lắm rồi. Nhưng cô bé thấy không, đôi dép cỏ lê lết qua trùng dương đại địa. Và, nếu biết đi đâu thì tôi đâu gặp cô bé hôm nay?
Và, tôi cười…
Mây phía tây ửng ráng hồng, rừng chiều động khẽ, trở mình. Tiếng cười của tôi theo vệt chim chấp chới tìm về vô định hoàng hôn.
Lắc nhẹ đầu cô bé phụng phịu: Tiểu Sư Phụ nói không thật, em thường thấy mấy nhà sư cũng giống Tiểu Sư Phụ đây, họ đi làng này sang làng nọ, đi chậm lắm, từ tốn lắm. Và họ đi vào một buổi sáng, đến trưa rồi thì không thấy nữa. Nhưng chắc chắn họ đi-khất thực-rồi về. Vậy mà Tiểu Sư Phụ nói không biết đi đâu, thế cái bình bát này của Tiểu Sư Phụ để làm gì?
Ngắm kĩ cô bé. Tôi cười khẽ.
Sao Tiểu Sư Phụ cười?
Ừm, có lẽ cô bé nói đúng đấy. Lẽ ra tôi phải biết mình đi đâu chứ nhỉ. Mà cũng kì, lâu lắm rồi tôi quên mất là cái bình bát này dùng để khất thực. Tôi lại dùng để đựng mùa Xuân-những cánh hoa, để chứa mùa Thu-vài lá vàng…
– Ồ, hình như tôi đã bị tha hóa rồi nhỉ?
– Trong lời nói và tiếng cười của Tiểu Sư Phụ có điều gì buồn buồn. Em nghe em biết.
– Cô bé biết ư? Tôi tin. Nhưng tôi không vui lắm đâu nhé. Biết để làm chi. Làm chi…?
Ngồi xuống cạnh gốc tre già xanh thẫm, gió cuối ngày cuốn la đà một lá tre khô, xa bay, gần lại. Cô bé ôm gối thầm thì trầm lan:
– Em không thích thấy người khác buồn, cũng không thích thấy người ta làm buồn nhau. Mà sao vậy nhỉ? Sao con người không thương nhau lại làm buồn nhau? Nhiều lần em chỉ biết cầu nguyện mọi người đừng giận, đừng ghét nhau nữa. Em không biết sao Tiểu Sư Phụ buồn nhưng em thấy có điều gì gần với em.
Tà huy rớt lại trên cành
Gió đưa lảo đảo mỏng manh lời buồn
Cô bé vẫn ngồi lặng thầm mờ xa. Chút nắng vương trên vai nhỏ, đôi môi hồng ngập ngừng lời hải triều vọng khởi.
– Tôi biết, tôi hiểu em nghĩ gì. Tôi trân trọng suy nghĩ ấy. Nó có nét đẹp của bầu trời ngà ngọc buổi ban mai lấp láy ánh triêu dương. Nó đẹp như lá tre xanh non biếc ngời này, em thấy không, tôi cũng vậy em ạ. Cũng như em, đặt nhiều câu hỏi lắm. Mà tôi cũng thương cuộc đời lắm. Vậy mà, em biết không, chẳng hiểu do cái nghiêp lãng du nghệ sĩ trong tôi hay sao ấy, mà tôi ra đi, đi hoài. Để rồi vỡ tan em ạ. Những ngọc ngà xanh biếc ngày xưa còn đó nhưng lớp bụi hoài nghi đã phủ lên. Tôi nghi ngờ sự trinh bạch của lòng mình khi đối diện với em. Em vẫn giữ được hồn em sơ thủy. Em có buồn đấy, nhưng nỗi buồn lại đẹp như ánh triêu dương như mưa đầu hạ… Tôi tự hỏi: phong trần cuốn tôi đi, hay tôi đi tìm phong trần?
– Tiểu Sư Phụ nói nghe buồn vậy? Ừ, buồn, mà cũng không biết. Tôi thấy nó bình thường, là máu thịt nên tôi thấy không buồn mấy, chỉ khắc khoải.
– Em nghĩ, chỉ tại Tiểu Sư Phụ qua đa sầu, đa cảm, đa tưởng quá thôi. Mọi thứ là như vậy, cũng đừng quá cần nhiều yêu cầu nơi nó. Vậy là được rồi?!
– Ha… ha…
– Sao Tiểu Sư Phụ cười?
– Tôi cười em, ngố quá. Ngây ngô quá. À, mà không. Chưa biết chừng ai ngố hơn ai? và nếu ngố sẽ hạnh phúc hơn, tôi chợt nghĩ với em nên vậy, thì em cứ ngố, làm đẹp cuộc đời bằng cái ngố rất riêng vậy. Cuộc sống cần một đôi mắt long lanh trong sáng như em để con người bớt đi cái lý luận cao siêu đến viển vông.
Còn tôi?
Phủi tay hạt bụi Ta bà
Nửa rơi nửa đọng, la đà hiên không
Ai xưa cánh hạc thong dong
Ngang trời để lại một dòng nước xao
Tay tôi vương bụi cũng nhiều, Ta-bà này tôi lang bạt giang hồ mấy bận thu đông. Em có nghĩ rằng giữa tôi va em là một tràng giang chia đôi non nước?
Người nghệ sĩ trong môt tu sĩ. Đó là nghiệp dĩ của tôi. Em không đồng ý? Vâng, tôi cũng thật là khéo đổ thừa! Tuy vây, tôi thích gọi bằng cái tên nghiệp dĩ, không phải để thi vị hóa đâu để tôi chập nhận đó thôi, chấp nhận “trả nghiệp”.
Sẫm tối. Tiếng côn trùng. Tiếng sao mọc. Trăng trung tuần lấp ló, sương phủ dần. Tiếng nói mất dần. Âm thanh vút cao, luyến với khơi vơi không gian. Sáo réo gọi, sáo thả trôi, sáo trầm luân. Sáu ngón tay lướt lấp lửng, có lúc mệt mỏi, trầm ngâm một điệu du dương, có lúc thay cung đổi nốt trắc trở.
Cô bé đi vào huyền mộng, sau lời kinh cầu thiết thương, môi chúm chím nụ cười, mắt khép nhẹ màn đêm, trên đôi má, giọt sầu cho nhân thế…
Chàng tu sĩ – gã nghệ sĩ lại cùng nhau đi…
Trầm Nhất Liễu