Nguyễn Nam Trân dịch
Lời giới thiệu của dịch giả::
Trong lịch sử văn học Nhật Bản, “Phương Trượng Ký” Hojo-ki (1212) cùng với “Ghi nhanh bên gối” Makura no soshi (1000?) và “Buồn Buồn phóng bút” (Đồ Nhiên Thảo) Tsurezure-gusa (1310-1341) được xem như ba tập tùy bút cổ điển có giá trị lớn nhất. Riêng Hojo-ki, âm đọc của ba chữ Hán Phương Trượng Ký (ghi chép về cái am vuông vức) , lại là tác phẩm có tính nhất quán, chung đúc, gọn ghẽ hơn cả nếu đem so sánh với Makura no soshi ra đời hai trăm năm trước nó và Tsurezure-gusa một trăm năm đến sau. Kamo no Chomei (1155?-1216), tác giả của Hojo-ki, đã sử dụng thần tình văn thể pha trộn Hòa Hán nên phát huy được cái sắc cạnh, trong trẻo mà thâm sâu của nội dung, khiến người đọc như bị cuốn hút hoàn toàn.
Cũng như Tsurezure-gusa, Hojo-ki là một tác phẩm quan trọng hàng đầu của dòng văn học ẩn sĩ (còn gọi là văn học thảo am) thời trung cổ Nhật Bản, đặt tên tuổi Chomei bên cạnh cao tăng Saigyo (1118-1190), một nhà thơ waka kiệt xuất, và Urabe Kenko (1283?-1352?), tác giả Tsurezure-gusa. Tuy ra đời cách đây gần tám trăm năm, nội dung thâm trầm của Hojo-ki vẫn còn hết sức thiết thân gần gũi đối với con người thời đại chúng ta.
Dĩ nhiên một tác phẩm cơ bản và quí giá như Hojo-ki đã được đem vào chương trình trung học cơ sở ở Nhật Bản và các bản dịch nó từ cổ ngữ của thế kỷ 13 qua kim văn cũng như những tập chú thích, bình giảng về nó nhiều không biết cơ man nào. Chúng tôi chọn bản dịch sang kim văn của Yasuraoka Kosaku (1917-2001), do nhà Kodansha xuất bản trong loạt sách bỏ túi làm bản lót. Cố học giả Yasuraoka là chuyên gia môn văn học trung cổ Nhật Bản, tốt nghiệp khoa văn Đại Học Tokyo (Tokyo Teikoku Daigaku), nguyên giáo sư danh dự Đại Học Sư Phạm Tokyo (Tokyo Gakugei Daigaku).
Nguyễn Nam Trân
Vài nét về tác giả :
Kamo no Chomei, chính ra phải đọc theo âm thuần Nhật là Kamo no Naga.akira, sinh khoảng năm 1155 và mất năm 1216, thọ 61 tuổi.
Ông là con thứ, sinh ra trong gia đình một ông quan ngũ phẩm giữ đền thần cho hoàng hậu. Cha ông, Kamo no Nagatsugi, chẳng may ngã bệnh, phải từ chức lui về, nhường chỗ cho người trong họ, mấy năm sau thì qua đời. Mất người đỡ đầu, ông từ đó lắm gian nan.
Vì yêu mến văn chương, ông theo học thơ waka với thầy Shun.e năm ngoài hai mươi tuổi. Thơ ông làm trong giai đoạn này còn ghi lại trong thi tập Kamo no Nagaakira-shuu, nói chung là lành mạnh, bình dị và trong sáng nhưng trong phần tạp thi đã thấy có những bài biểu lộ rõ rệt nỗi thất vọng và tình cảm chán đời.
Thơ của ông từng được đặt bên thơ các thi nhân nổi tiếng thời đó như Saigyo, Shun.e, Jittei, Shunzei, Kensho, cũng có bài được tuyển vào Senzai Waka-shuu. Thời ấy, chỉ cần một bài thơ được chọn vào thi tập soạn theo chiếu chỉ của thiên hoàng như Senzai là một vinh hạnh rất lớn.
Ngoài thơ, ông còn yêu nhạc và đã theo thầy Nakahara Ariyasu học tì bà lúc đã hơn ba mươi tuổi. Thầy Nakahara vốn là nhân vật đứng đầu về nhạc ở trong cung, rất quí mến và đặt nhiều kỳ vọng nơi ông.
Ông tham gia vào nhiều hội bình thơ (uta.awase), thắng vài giải lớn và trở thành một viên chức (yori.udo) của Viện Thi Ca (Wakadokoro), có một địa vị trên thi đàn. Kể từ năm 1200 (46 tuổi) trở đi, hầu như năm nào ông cũng có mặt ở các hội bình thơ quan trọng trong và ngoài cung, được mọi người kể cả thiên hoàng nhìn nhận tài năng. Tuy nhiên, phải nói thơ ông thuộc dòng thơ cổ điển, bình dị, đạm bạc chứ không mới mẻ và có tính cách mộng huyễn, khái niệm và tượng trưng của Teika, một nhà thơ lớn cùng thời.
Nếu đời thơ có vẻ êm xuôi, đời thường ông long đong. Nguyện ước được nối chức cha giữ đền thần không thành vì người trong họ phản đối. Tuy thái thượng hoàng Go-Toba, người mến tài ông, đã ra ân can thiệp nhưng không thành công. Nhật ký của Minamoto no Ienaga, một bạn đồng liêu ở Viện Thi Ca chép: “Ông mang mối hận sâu sắc trong lòng nên xuất gia lánh đời”. Có lẽ từ lâu ông đã suy nghĩ về lẽ vô thường của cuộc đời và sự kiện này chỉ là một cái cớ để ông đi đến quyết định.
Nếu tu hành có hai lối, một là xuất gia từ nhỏ, hai là xuất gia lúc về già thì Chomei nằm vào trường hợp thứ hai. Trường hợp này vẫn bắt buộc người đi tu phải giữ giới sa di nhưng cho phép họ không phải phụ thuộc một chùa chiền hay tôn phái nào.
Chomei đã vào vùng rừng núi ở Ohara, phía bắc Kyoto, một nơi từ xưa vẫn có vô số thảo am mọc quanh các ngôi chùa. Hoàng thân quốc thích, quí tộc Fujiwara và Taira sau khi xuất gia đều về đó ở. Nhiều người là nhân vật nổi tiếng, trong đó có hoàng thái hậu Kenreimon.in tức là vợ góa của Thiên Hoàng Takakura mà gia đình bà, tập đoàn Taira, đã vùi thân trong sóng biển miền Tây.
Sau khi Chomei xuất gia được một năm, các nhà tuyển khảo đã chọn 10 bài thơ của ông vào tập thơ soạn theo chiếu chỉ Shin-Kokin Waka-shuu. Nhân vật trung tâm của năm người tuyển khảo là Teika, một nhà thơ chủ trương cách tân. Điều này chứng tỏ thơ cổ điển của Chomei cũng được người khác ý kiến đánh giá cao vì có phẩm chất. Thế nhưng tất cả các bài được tuyển là thơ mà ông đã làm vào giai đoạn thứ hai chứ từ ngày đi tu ở Ohara, không thấy ông có thơ.
Ngoài tập tùy bút Hojo-ki, Kamo no Chomei còn để lại “Ghi chép không tên” Mumyo-sho, gồm hơn 70 đoạn, viết giữa năm 1211-1216, trong đó ông kể lại giai thoại về các nhà thơ, những danh lam thắng cảnh đề tài của thơ, cũng như điều tâm đắc trong khi làm thơ waka. Phần luận về “yuugen” (khái niệm “u huyền” trong thi ca) rất nổi tiếng. Khoảng năm1214 tức là không bao lâu trước khi mất, ông viết “Mở lòng tu” Hosshin-shuu, một tập sách thuyết giáo thuật lại truyện những người trong phái tịnh độ đã phát tâm bồ đề đi tu như thế nào và nhân đó trình bày cảm tưởng của mình.
Tóm lại, qua ba tác phẩm Mumyo-sho, Hojo-ki, Hosshin-shuu, ta thấy mối quan tâm trong những ngày tháng cuối cùng của Chomei là thi ca, cuộc sống ẩn dật và lòng tin tôn giáo vậy.
CẢM NGHĨ TRONG AM
(Trích đoạn từ bản dịch Phương Trượng Ký (Hojo-ki) của Kamo no Chomei)
Xuất gia lánh đời và dựng am
Ta được thừa kế gia sản của bà nội ta cho nên trong một khoảng thời gian dài, đã sống trong nhà của cụ. Sau đó, liên hệ của ta với gia đình xấu đi, bản thân ta cũng lâm vào cảnh sa sút. Chuyện cũ kia nọ nhớ ra thì nhiều không kể xiết nhưng xin tóm tắt là, đã lâu, ta không còn được sống nơi đó nữa. Năm ngoài ba mươi tuổi, ta mới nẩy ra ý dựng cho mình một căn nhà nhỏ đơn sơ.
Nếu đem so sánh căn nhà này với chỗ ở cũ của cụ nội thì mười phần mới được một. Ta chỉ xây cất tối thiểu đủ để làm nơi ngã lưng chứ không đủ vật lực để nhà được tiện nghi đầy đủ. Nói là nhà chứ chỉ có tường và mái, cánh cổng cũng chả làm nổi. Với mấy cột tre, ta dựng một cái chòi để cất cái xe kéo. Mỗi khi có gió mạnh hay tuyết đọng, ta mới cảm thấy lo lắng cho cái èo uột của căn nhà. Nhà ta lại nằm gần bên bờ sông Kamo nên dễ bị lụt lội, đó là chưa kể chuyện trộm đạo.
Cứ như thế mà ba mươi năm dư, ta đã khổ tâm nhịn chịu để sống với cuộc đời bạc bẽo. Trong suốt thời gian này, toàn gặp những điều không vừa ý, ta nhận ra mình là kẻ thiếu may mắn.Vì lẽ đó, vừa được năm mươi tuổi, ta quyết chí xuất gia, chọn cuộc sống ẩn dật để xa lánh người đời. Thuở giờ ta chưa hề có vợ con nên chẳng có mối liên hệ gì để phải cắt đứt. Bản thân chưa từng nhận bổng lộc, chức tước nên không cần bám víu điều chi. Và như thế, ta vào trong vùng rừng núi Ohara, nằm khểnh với mây trời. Quang âm thấm thoát, ấy thế mà năm năm đã trôi qua.
Nay ta bước gần đến tuổi sáu mươi, cái thân già suy yếu dần dần để rồi sẽ biến mất đi như hạt sương mai. Lúc những tháng ngày còn lại chẳng khác gì lá bám đầu cành, ta lại đi dựng một nơi tạm trú khác. Cũng giống người đi đường cất một cái chòi tạm để qua đêm, hay như con tằm già cố gắng rút hết ruột ra làm kén. Nếu ta so sánh chỗ này với ngôi nhà cất bên bờ sông Kamo nơi ta sinh hoạt bấy lâu thì nhà kia một trăm phần nó mới được một.
Trong khi nói ra bao nhiêu điều ngu muội, ta chỉ thấy tuổi tác của mình càng ngày càng cao và chỗ trú ngụ càng ngày càng hẹp lại. Ngôi nhà của ta lần này cũng vậy, nó không giống nhà của người đời chút nào. Rộng thì vuông vức mỗi cạnh chỉ non một trượng, cao chưa tới năm thước. Bởi vì chưa hề nghĩ đến chuyện có đất mới xây nhà, ta không mất nhiều thời giờ để chọn chỗ xây cất. Nền thì lấy mặt đất làm nền, mái lợp tạm bằng tranh, chỉ cần vài cái móc sắt để kết những tấm gỗ vào nhau. Ta cất giản dị như vậy với dụng ý có thể tháo gỡ dọn đi chỗ khác dễ dàng, nhỡ khi có chuyện không vừa lòng xảy đến. Cho dù phải dựng lại ở đâu đó, ta cũng sẽ không mất công khó nhọc. Tất cả vật dụng để vừa gọn trong hai chiếc xe kéo. Ngoài tiền trả người đánh xe, ta không có mục nào khác để chi tiêu cả.
Cuộc sống trong thảo am trên ngọn núi Hino:
Giờ đây, kể từ khi vào thật xa trong vùng rừng núi Hino dấu tông tích, lánh người đời, ở phía đông thảo am vuông vức này, ta lợp thêm một cái chái rộng nhỏ rộng hơn ba thước, lấy đó làm chỗ để chứa củi chụm. Phía nam, ta trải lóng trúc làm thành một hàng hiên, đầu tây hiên là bàn đặt đồ cúng kiến. Bên trong am, sát về hướng bắc và cách một tấm cửa vách, ta chưng tranh thờ Đức Phật A Di Đà. Bên cạnh đó, lại treo tranh Đức Phổ Hiền, trước mặt ngài đặt bộ kinh Pháp Hoa. Đầu đằng đông, ta trải mấy nhánh dương xỉ khô làm giường ngủ ban đêm. Phía tây nam ta dựng mấy cái giá treo bằng tre trên đó đặt vài rương da màu đen. Trong rương là ít quyển sách nói về thơ (quốc âm) waka và âm nhạc, dăm tác phẩm triết lý như cuốn Ojo Yoshuu. Tường bên cạnh có treo chiếc đàn koto (cầm) và đàn biwa (tì bà). Chiếc đàn koto này gập lại được và biwa cũng có thể gỡ ra mang đi.
Nếu nói về cảnh tượng chung quanh thì phía nam cái am, ta có đặt máng gỗ, xếp đá làm chỗ để trữ nước khe. Rừng ở kề bên hiên nên nhặt cành khô làm củi bao nhiêu cũng có. Chỗ đó tên là Toyama thuộc vùng núi Hino. Dây sắn bò lan lấp lối đi, trong trũng cây cối rậm rạp nhưng phía tây lại thoáng nên buổi chiều ngắm mặt trời lặn để suy nghĩ về Đức Phật ở cõi Tây Phương tịnh độ cũng tiện.
Khi mùa xuân đến, hoa tử đằng nở tựa chòm mây tím hiện ra mỗi lần chư bồ tát đến rước người lành vãng sinh cực lạc. Hè thì tiếng cuốc kêu như lời ước hẹn sẽ đưa linh hồn về cõi u minh. Khi thu sang, tai nghe tiếng ve ngâm ran suốt ngày như lời than ai oán cho cuộc đời bèo bọt. Mùa đông thì cảnh tuyết rơi, đọng rồi lại tan, dường muốn phô cho ta thấy việc ác có thể xóa đi bao nhiêu công lao tích đức của con người.
Mỗi ngày được niệm Phật đọc kinh tùy thích, khi không muốn tụng nữa thì ngừng lại nghỉ ngơi. Sống có một mình, có làm như thế cũng chẳng ai phá quấy, mà ta cũng chẳng cần giữ ý với ai. Tuy không cố ý thực hiện cái hành vô ngôn nhưng có ai đâu mà phải phạm tội gian dối cùng người. Cho dù không bắt buộc giữ giới răn, chung quanh mình không cớ gì làm loạn cái tâm, làm sao phá giới cho được. Có chăng là tảng sáng có dịp ra bờ sông ngắm thuyền bè đi lại xa xa ở Okanoya, thấy con thuyền thì có lúc chạnh nghĩ đến cuộc đời trôi nổi. Lúc đó miệng ngâm thầm mấy câu thơ phong lưu điệu Manshami mượn đỡ của người. Hoặc là lúc chiều về nghe tiếng gió thu rào rào qua cành quế, bắt chước quan đô đốc Minamoto thả cho hồn mình trôi về bến sông Tầm Dương của Bạch Lạc Thiên. Đôi khi, nếu chưa cạn hứng thì dạo đàn cầm khúc Thu Phong Lạc hòa với gió tùng, hay khảy ít tiếng tỳ bà khúc Lưu Tuyền trước dòng nước chảy. Dù đánh đàn hay ngâm thơ không hay ho gì cũng chẳng lo ai để ý vì mình chỉ làm có mỗi một mình và chỉ với mục đích di dưỡng tính tình.
Lâu lâu có thằng bé con người canh gác sống trong căn nhà cất tạm dưới chân núi Hino lên am với ta. Lúc buồn tình, có thằng bé này làm bạn, cùng nhau đi chơi. Nó mười tuổi, ta sáu mươi. Tuổi tác tuy khác nhau nhiều nhưng cùng chung cái thú thích ngao du. Có lúc đi ngắt hoa đồng, hái quả dại, đào khoai rừng, nhặt gié lúa sót gom thành bó. Nếu trời đẹp, lại lên đỉnh cao nhìn về cố hương Kyôto, ngắm ngọn Kohata, mấy làng Fushimi, Toba, Hatsukashi. Những nơi thắng cảnh là của đất trời nên không có chi làm vướng mắt bận lòng. Đi bộ nhiều mà không biết mệt, đôi khi thích đi thật xa thì lại chuyền theo đường núi từ Hino đến vãn cảnh chùa Iwama, chùa Ishiyama trên núi Kasatori, hay là từ cánh đồng Awazu, vẹt lối cỏ ghé thăm dấu cũ của cụ Semimaru, vượt sông Tanakami, đến tận ngôi mộ ngài Sarumarudayuu. Trên đường về, tùy theo thời tiết, lúc thì đánh một vòng thưởng thức hoa anh đào, hay đi hái lá phong đỏ, bẻ cành dương xĩ, lượm lặt trái cây rụng đem về làm lễ vật cúng Phật và cũng để làm quà.
Nếu là đêm thanh vắng, ta ngắm vầng trăng qua song cửa, cảm khái nhớ đến bạn bè xưa và những người đã khuất. Mỗi khi nghe tiếng vượn kêu thương thì lệ ướt đầm tay áo. Nhìn đom đóm chập chờn trong cỏ rậm mà ngỡ ánh lửa chài phía đảo Makinoshima xa thẳm. « Tiếng mưa rơi buổi sáng nghe như tiếng gió rung cành lá ». Nghe chim núi hót bi ai tưởng như tiếng cha tiếng mẹ nhắn gì mình. Khi mấy con nai sống trên đỉnh núi thân thuộc quen hơi đến chơi, mới thấy mình đã xa rời cõi tục đến ngần nào rồi. Lúc ngồi cời than trong lò, ngọn lửa bùng lên như đánh bạn với người già chợt thức giấc giữa đêm khuya. Trong núi không có gì hãi hùng nên cả đến tiếng cú rúc (vốn khó ưa) cũng làm ta thích thú. Cảnh sắc trên non cao theo thời tiết mà biến chuyển muôn màu muôn vẻ. Huống chi, đối với kẻ đã biết sống trầm tư hiểu được đạo lý sâu xa thì cảm xúc về sinh hoạt ở đây đâu chỉ giới hạn trong những điều vừa kể.
Suy nghĩ về cuộc sống thảo am :
Thật ra, khi ta dọn đến đây, cứ tưởng mình sẽ nán lại ít lâu nhưng không ngờ năm năm đã vèo trôi. Dần dần cuộc sống ở cái am tạm bợ này cũng thành quen, bên hiên lá mục chất dày, ngạch cửa rêu đã mọc xanh. Đôi khi nhân khi có tin tức kinh đô vọng tới, mới biết rằng kể từ khi ta thu hình vào góc núi Hino này, có rất nhiều vị hiển quí đã lìa bỏ cõi đời, và dĩ nhiên là có bao nhiêu thường dân vô danh cũng ra đi trong khoảng thời gian đó. Và làm sao mà đếm cho hết những ngôi nhà bị hũy hoại vì các trận hỏa hoạn thường xuyên xảy ra. Chỉ có cái am tạm bợ của ta là chỗ yên ổn duy nhất. Tuy diện tích của nó không là bao nhưng đêm đến ta có chỗ ngã lưng, ngày có chỗ ngồi. Chừng đó quá đủ cho kẻ sống một thân một mình. Con ốc mượn hồn thích sống trong một vỏ ốc con, bởi vì chúng tự biết mình muốn gì. Con ó biển không rời bãi biển vắng chẳng qua chúng sợ người ta bắt. Hoàn cảnh ta nào có khác gì. Ta hiểu lý do tại sao ta phải sống trong am này, ta lại hiểu rõ người đời. Ta không cầu mong nhà cao cửa rộng, cũng không ham chạy đua theo thế tục, chỉ bằng lòng với cuộc sống thanh tĩnh và nghĩ rằng hạnh phúc nằm ở trong chỗ không có mối lo âu.
Nhìn chung, khi con người xây nhà, chưa chắc họ đã xây vì mình. Đôi khi họ xây cho vợ con, thân thích, bạn bè. Cũng có lúc họ xây cho các bậc vua chúa, các vị chủ vị thầy, hay xây để chứa tài vật, bò ngựa. Còn ta, ta kết cỏ dựng cái am này chỉ dành cho ta chứ không vì ai khác. Lý do là trong cuộc đời biến đổi không ngừng này và trong hoàn cảnh cá nhân hiện tại, không có ai ở quanh ta, từ vợ con đến kẻ ăn người ở. Nếu ta dựng lên một căn nhà to rộng, hỏi sẽ dùng để chứa ai, đặt ai vào đó.
Trong mối liên hệ bạn bè, con người ta thường kính trọng bạn giàu, nhất là những kẻ tỏ ra gần gũi tử tế với họ. Thiên hạ chưa chắc đã biết quí những kẻ biết thương người hay tính tình ngay thẳng. Riêng ta thì bạn bè của ta không gì hơn là âm nhạc và phong cảnh thiên nhiên. Trên đời này, kẻ đem thân hầu hạ chỉ tỏ ra hết lòng phục vụ những ai cấp cho mình nhiều bổng lộc quà cáp chứ chắc chắn là không cần có cuộc đời êm đềm thanh tĩnh bên cạnh một kẻ thích giúp đỡ và biết thương người. Vì vậy không gì hay hơn là tự mình hầu hạ lấy mình. Trong bất cứ trường hợp nào, khi bắt buộc phải nhờ vả ai làm chuyện gì, không gì hay hơn là tự nhờ vả mình cái đã. Có mệt xác đấy chớ chẳng phải chơi nhưng so ra còn khỏe cái đầu hơn là phải sai bảo ai hay nhờ ai giúp đỡ. Nếu cần có chuyện phải chạy việc thì cứ sử dụng đôi chân của mình. Khổ thì có khổ nhưng sao bằng cái khổ bám víu lấy bò ngựa, xe cộ, yên cương.
Hiện nay, ta chia thể xác của mình ra làm hai phần dành cho hai hoạt động. Đó là tay để bảo làm và chân để bảo đi. Hai loại người làm này hoàn toàn đầy đủ và thỏa mãn được tâm ta rồi. Vì tâm ta hiểu được cái nhọc nhằn của thân xác cho nên khi thân xác nhọc nhằn, ta cho nó nghĩ ngơi, khi thân xác cứng cáp thì ta sử dụng. Dù gọi là sử dụng nhưng chỉ đôi lúc thôi chứ không bao giờ quá đáng. Những khi thân xác mệt mỏi và nặng nề, tâm ta cũng không bực bội. Hơn nữa, nhờ có dịp chạy đi chạy lại và lao động thường xuyên, thân xác càng thêm tráng kiện. Thế thì việc gì phải để thân xác nghĩ ngơi quá lố. Cái việc bắt người khác phải lao khổ vì mình mới là điều tội lỗi. Cứ phải mượn sức người có gì gọi là hay đâu.
Về phục sức và ẩm thực thì ta cũng theo một lối nghĩa là áp dụng phương pháp tự lực sinh tồn. Áo tơ áo gai để mặc khi đi ngủ có thế nào thì dùng thế ấy, chỉ cần để che thân. Thức ăn là rau hái ngoài đồng hay hạt nhặt trên núi, chỉ cần đủ duy trì sự sống. Vì không giao thiệp với người đời ta chẳng có gì để xấu hỗ vì hình dáng bên ngoài của ta. Thức ăn không đủ dùng nhưng cứ nghĩ đó là cái quả báo kiếp trước, nên món tầm thường cũng lấy đó làm ngon.
Thái độ vui sống với cuộc đời như vậy không đáng đem ra phô trương trước những người có cuộc sống sang trọng. Chuyện này chỉ liên quan đến mỗi mình ta khi đem so sánh hai quãng đời, xưa kia đối với bây giờ, trước và sau khi vào sống trong vùng núi Hino.
Cái thú sống ở thảo am :
« Từ khi ta xa lánh cõi đời, và chọn cuộc sống ẩn dật, ta cảm thấy không có gì oán hận hay lo âu nữa. Ta phó mặc cuộc đời cho định mệnh, không ước mơ gì, không cầu sống lâu, không mong chết sớm. Ta xem cuộc đời mình như đám mây lúc hợp lúc tan cho nên không gửi gắm hy vọng cũng như tìm ra thất vọng nơi nó nữa. Niềm vui thỏa của ta là ngã lưng đánh một giấc trưa bình yên, và tất cả tham vọng một đời là được ngắm cảnh vật thay đổi theo bốn mùa ».
Cái gọi là ba thế giới chính ra tùy thuộc ở lòng mình. Nếu tâm ta không yên ổn thì của cải như voi ngựa hay đồ quí báu chẳng có ích gì mà kiến trúc như lầu gác thành quách cũng không phải là vật đáng ước muốn.Hiện nay, nơi trú ngụ nhàn tĩnh nghĩa là cái am con vỏn vẹn một phòng này là vật mà ta cho là quan trọng hơn cả. Cũng có lần ta lên kinh đô, hỗ thẹn vì hình dáng ông sư khất thực của mình, thế nhưng, khi từ đó trở về am, lại thấy chính những người đang sống bon chen trong vòng danh lợi phiền toái ở kinh đô mới là kẻ đáng tội nghiệp.
Nếu người đời còn nghi ngờ những điều ta nói thì cứ xem lũ cá, lũ chim. Cá sống trong nước không bao giờ chán nước. Phải là cá thì mới hiểu cái tâm tình này. Chim không muốn gì hơn là sống trong rừng. Chỉ là chim mới biết vì sao. Những cái thi vị của lối sống nhàn tĩnh cũng thế, người ta chỉ thấm thía khi sống cuộc đời đó.
Phủ định cuộc sống lánh đời :
Ôi, như ánh trăng tà lặn về hướng tây, đã đến chỗ giáp ranh với đỉnh núi rồi và sẽ bị núi che khuất đi, cuộc đời của ta đang ngã bóng chiều. Trước khi đi vào thế giới u minh của cõi Tam Đồ, ta còn than trách tiếc hận gì về những hành vi của mình chi nữa. Điều căn bản trong những lời Đức Phật dạy con người là không nên chấp trước với bất cứ điều gì ở thế gian. Ngay cả chuyện ta quyến luyến cái am con này là một điều tội lỗi và việc ta bấu víu vào cuộc sống cô đơn nhàn tĩnh cũng là trở ngại để được siêu sinh. Làm sao ta lại có thể dùng thời giờ quí báu còn lại để làm chuyện vô ích là kể lể cái cảnh nhàn cư này.
Có một sáng tinh sương, ta suy nghĩ rất lung về điều nói trên rồi tự hỏi lòng mình : « Nếu mi xa lánh cuộc đời, vào sống giữa núi rừng là muốn giữ cho tâm hồn lắng dịu để có thể tu tập theo con đường của Đức Phật. Thế nhưng, tuy bên ngoài mi có dáng dấp của một vị chân tu, trong lòng mi vẫn đầy nhơ bẩn vì phiền não. Chỗ mi ở thật không khác cái am vuông của Jomyo Koji (1) nhưng việc mi làm chưa chấm được gót của Shuri Handoku (2) đáng thương kia. Không hiểu có phải kiếp trước mi có quá nhiều nghiệp chướng cho bây giờ bị quả báo nghèo khổ. Hoặc giả vọng tâm mê lầm đã tạo những điều phiền não làm rối loạn đường tu của mi ».
Khi ta tự đặt cho mình những câu hỏi ấy, lòng ta hoàn toàn không tìm ra câu trả lời. Rốt cuộc, nó mới đủ sức lay động để thoát ra bằng đầu lưỡi (3) ta hai ba bận câu Nam Mô A Di Đà Phật.
Ta, kẻ xuất gia tên gọi Ren.in (4), đã viết những cảm nghĩ này trong thảo am ở Toyama vào cuối tháng ba năm thứ hai niên hiệu Kenryaku.
« Trăng kia có sáng nhưng buồn cho nó sẽ phải khuất sau nếp núi.
Cầu mong sao chúng ta có thể thấy ánh sáng vĩnh cửu ! »
Kamo no Chomei
(Trích từ “Cảm nghĩ trong am” (Phương Trượng Ký) Hojo-ki (1212))
Ghi chú:
(1) Tức Tĩnh Danh Cư Sĩ, tên chữ Hán của ngài Duy Ma Cật, tăng sĩ Ấn Độ. Tăng phòng bên nước đó cũng vuông vức mỗi bề khoảng một trượng. Ý nói hai người giống nhau về hình thức nhưng không giống về nội dung.
(2) Tên Hán là Chu Lê Bàn Đặc, một trong 16 La Hán, học trò của Đức Thích Ca lúc ngài còn tại thế. Có người anh thật thông minh nhưng riêng ông thì từ lúc sinh ra đã cực kỳ ngu độn, học trước quên sau, một bài kệ ba tháng chưa thuộc. Sau bỗng nhiên khai ngộ, chứng quả A La Hán.
(3) Thiệt căn, một trong lục căn (nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý), cửa ngõ của tâm hồn.
(4) Liên Dận. Liên là chữ đầu trong tên hiệu mà các tăng phái Tịnh Độ thường dùng.