Nguyễn Hưng Quốc – Đọc lại Phạm Công Thiện

pct-poesie

Phạm Công Thiện là một trong vài tác giả cũ trước 1975 thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại. Và vẫn thấy thích. Có điều hiếm khi nào tôi đọc lại trọn vẹn một tác phẩm nào đó từ đầu đến cuối. Thường, tôi chỉ đọc lóc cóc từng đoạn. Như đọc thơ. Mỗi lần cầm sách ông lên, cứ mở đại một trang nào đó, đọc; xong, gấp sách lại mà không cần làm dấu. Lần sau, lại mở sách một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, không chọn lọc. Tôi để ý: hình như, trong văn xuôi, ngoài Võ Phiến, chỉ với Phạm Công Thiện, tôi mới đọc như thế. Điều đó chứng tỏ cách đọc ấy không đến từ thói quen đọc sách của tôi mà chủ yếu đến từ phong cách viết văn của ông. Nói cách khác, theo tôi, cách viết của Phạm Công Thiện không đòi hỏi, thậm chí, không khuyến khích người ta đọc trọn. Có cảm tưởng ông không quan tâm nhiều đến tính hệ thống và cấu trúc chung của cuốn sách. Rất hiếm, nếu không muốn nói là không có, cuốn nào của ông có môt bố cục thật chặt chẽ. Phần lớn, nếu có, chỉ chặt chẽ được phần đầu. Sau đó, là những ý rời, những đoạn rời. Là phóng bút. Là viết theo sự đưa đẩy của cảm hứng.

Mà cảm hứng của Phạm Công Thiện thì hình như bao giờ cũng dào dạt. Nó cuồn cuộn. Nó tràn bờ; nó vượt ra ngoài mọi khuôn khổ quen thuộc. Nó tạo nên đặc điểm đầu tiên và rất dễ nhận thấy trong văn phong Phạm Công Thiện: nồng nhiệt. Trong văn như có lửa. Lúc nào ông cũng ném hết tâm hồn và nhiệt huyết vào câu chữ. Không cần dè dặt. Đã tin, tin hết lòng. Đã thích, thích hết mực. Khen ai, ông khen không tiếc lời. Những từ ngữ như “đại thi hào”, “đại văn hào” “hay nhất”, “lớn nhất”… được dùng một cách thật hào sảng. Năm 1967, trong cuốn Im lặng hố thẳm, ông xem Nguyễn Du là một trong năm nhà thơ vĩ đại nhất của phương Đông; năm 1996, trong cuốn Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, ông đi xa hơn một chút nữa, cho Nguyễn Du là một trong ba nhà thơ vĩ đại nhất của nhân loại, bên cạnh Hoelderlin và Walt Whitman. Ngoài ba nhà thơ ấy, có còn ai đáng kể nữa không? Hình như là không. Đó là “ba thiên tài lớn nhất của nền thi ca nhân loại trong hai ngàn năm hoang vu trên mặt đất.” Với Nguyễn Du, viết thế, dù sao, cũng được: Ở Việt Nam, Nguyễn Du là một biểu tượng; mà đối với một biểu tượng, người ta không cần đặt ra những giới hạn. Nhưng với nhiều nhà thơ khác, Phạm Công Thiện cũng hào sảng như thế. Trong cuốn Hố thẳm của tư tưởng, xuất bản năm 1967, Phạm Công Thiện viết về Quách Tấn: “Quách Tấn là thi sĩ vĩ đại nhất của Việt Nam hiện giờ; Quách Tấn là người đã đánh dấu thi ca tiền chiến và thành tựu thi ca hậu chiến qua hai tập thơ Đọng bóng chiềuMộng ngân sơn”. Hơn nữa, “Quách Tấn là một thi sĩ duy nhất của Việt Nam, đã thành tựu tất cả những gì mà Nguyễn Du còn để dở dang; còn tất cả những thi sĩ khác, kể cả Hàn Mặc Tử, kể cả Xuân Diệu, Huy Cận, v.v. đều là những thi sĩ thiên tài, nhưng không có đủ tất cả tính kiện hay kiện tính trong thơ họ để tính dưỡng và thành tựu thi cuộc mà Nguyễn Du đã mở đầu cho thi ca Việt Nam”. Cũng trong cuốn ấy, Phạm Công Thiện viết về Hàn Mặc Tử: “Hàn Mặc Tử vỗ cánh phượng hoàng và bay xuống đậu giữa Thiên Thanh, Rimbaud và Hoelderlin đứng dậy chắp tay, đứng về phía trái; Keats và Leopardi đứng dậy chắp tay, đứng về phía mặt; Hàn Mặc Tử bay sà xuống đậu ngay chính giữa; ngay lúc ấy, lập tức hai Thi Sĩ bên trái và hai Thi Sĩ bên mặt quì xuống lạy ba triệu lạy; khi bốn Thi Sĩ lạy xong và ngước mặt lên thì Hàn Mặc Tử đã vụt biến mất và hoả diệm sơn biến thành một quả trứng phượng hoàng khổng lồ: quả trứng phượng hoàng cô liêu xoay tròn năm vòng và thu hình nhỏ lại thành trái đất; từ ấy, trái đất liên tục xoay tròn giữa vũ trụ vô biên và con người không còn làm thơ nữa.” Những kiểu phát ngôn như thế này rất phổ biến trong văn chương Phạm Công Thiện: “Chỉ một câu thơ của Nguyễn Du cũng đủ phá huỷ trọn tư tưởng Nam hoa kinh của Trang Tử. Một bài thơ của Trần Cao Vân (bài Vịnh tam tài) đủ thu gọn tất cả Tống Nho. Một vài câu thơ Hàn Mặc Tử đủ nói hết trọn sự nghiệp tư tưởng thánh Thomas d’Aquin và thánh Augustin. Một câu thơ của Rimbaud hay một dòng văn của Henry Miller đủ nói hết Kierkegaard, Paul Tillich hay Heid gger.” Với những tên tuổi lớn, Phạm Công Thiện vung bút như thế, kể cũng dễ hiểu. Với một số nhà thơ có tầm vóc nhỏ hơn, chỉ hơn mức trung bình một tí, Phạm Công Thiện cũng rất hào phóng lời khen ngợi. Trong cuốn Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, giải Nobel văn chương 1995, nhắc đến hai câu thơ của Hoài Khanh “Con sông nào đã xa nguồn / Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi”, ông hạ bút: “Câu thơ bất hủ”; nhắc đến bốn câu “Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng / Thương về con nước ngại ngùng xuôi / Những người con gái bên kia ấy / Ai biết chiều nay có nhớ tôi” của Hoàng Trúc Ly, ông bình: “bốn câu thơ bát ngát như đất trời quê hương” (tr. 29).

Phạm Công Thiện là như thế. Lúc nào cũng nồng nhiệt. Lúc nào cũng rộng rãi. Lúc nào cũng cực đoan.

Có người cực đoan vì đần. Phạm Công Thiện cực đoan nhưng vẫn toát lên vẻ thông minh và rất thông thái. Sự cực đoan ở nhiều người khác gợi lên ấn tượng hẹp hòi và hung bạo. Phạm Công Thiên cực đoan một cách hồn nhiên và vô hại. Bao trùm lên tất cả, ông cực đoan một cách chân thành và duyên dáng. Đọc, thấy ngay ông cực đoan, nhưng không ai nỡ bắt bẻ. Bắt bẻ, tự nhiên có cảm giác là mình tỉnh táo một cách nhỏ nhen.

Một trong những đặc điểm nổi bật khác của Phạm Công Thiện là ám ảnh về hình ảnh và ám ảnh về chữ. Văn Phạm Công Thiện có nhiều hình ảnh và ẩn dụ. Đoạn văn viết về Hàn Mặc Tử ở trên là một ví dụ. Phượng hoàng và hoả diệm sơn. Ở những nơi khác, hết núi lửa thì đến hố thẳm, hết ngày sinh của rắn thì đến những con chim biết nói tiếng Phạn, hết đòi giết các con kiến trong ý thức thì đến giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng, v.v… Đâu đó, Phạm Công Thiện tự nhận “ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sĩ. Ai muốn hiểu sao thì hiểu.” Là ngôn ngữ của thi sĩ, giọng văn của Phạm Công Thiện lúc nào cũng thơ mộng. Thơ mộng ngay cả khi ông bàn chuyện triết lý hay Phật pháp. Thơ mộng ngay cả khi ông hục hặc gây hấn phản kháng, thậm chí, chửi bới ầm ĩ. Sự thơ mộng ấy đến, một phần, từ hình ảnh, nhưng phần khác, quan trọng hơn, theo tôi, từ nhạc điệu. Văn của Phạm Công Thiện rất giàu nhạc tính. Câu văn của ông biến hoá đa dạng, thường thì dài hơn mức cần thiết. Để cho chữ có âm vang. Ông không ngại lặp lại, dưới hình thức này hay hình thức khác, dường như để những âm vang ấy không bị tắt quá sớm. Thấy rõ nhất là qua các câu văn dịch của Phạm Công Thiện. Trong cuốn Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, ông dịch chữ “recollections” của Yeats thành “hồi tưởng, truy tưởng, hoài tưởng, mặc tưởng, nhớ tưởng”; (tr. 14); câu “The end of art is peace” thành “Cứu cánh của nghệ thuật là sự hoà bình, sự an bình, thanh bình” (tr. 46). Dịch, như thế. Ông viết cũng thế. Thiếu một chút cô đúc. Bù lại, câu văn trở thành nhẹ nhàng và vang hưởng.

Tôi có cảm tưởng một trong những ám ảnh lớn nhất của Phạm Công Thiện là chữ. Rải rác trong nhiều bài viết khác nhau, chẳng hạn, trong cuốn Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (1988), ông nói về sự say mê học tiếng và học chữ của ông. Quả thật, khả năng học tiếng và học chữ của Phạm Công Thiện là một kỳ tích ở Việt Nam. Cho đến nay có lẽ cũng chưa có ai vượt qua ông được. Tuy nhiên, ở đây, tôi chỉ xin giới hạn trong phạm vi văn chương: ở Phạm Công Thiện, ám ảnh về chữ có thể thấy rõ trong cách viết văn. Có thể nói văn Phạm Công Thiện có khi chỉ là một dòng liên tưởng bất tận gợi lên từ những con chữ. Chữ này gọi chữ nọ. Ngỡ như chữ chứ không phải là ý đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cấu trúc của đoạn văn. Nhưng chữ, dưới ngòi bút của Phạm Công Thiện, thật ra, cũng tức là ý. Chữ đẩy đưa, luyến láy nhưng không thừa thãi. Cũng trong cuốn Khơi mạch… ông viết: “Thơ là linh hồn của tất cả âm nhạc; hình ảnh của Thơ là vô hình đột chuyển thành ra hiện hình và hiện ảnh: hiện hình và hiện ảnh của Thơ chính là hiện cảnh linh động và hiện thực hơn tất cả cảnh sắc và phong cảnh hiện tiền” (tr. 7). Xin lưu ý: những chữ “hiện” trong đoạn này cũng như các đoạn sau là do tôi in nghiêng. Để độc giả dễ thấy. Ám ảnh về từ tố “hiện” ấy kéo dài sang mấy trang sau: “Một bài thơ hốt nhiên xuất hiện, đột hiện; một tia chớp ngang trời, một sự xuất hiện thình lình như tiếng sét bất ngờ. Thơ là xuất nhập, tất cả rạng ngời của một sự Xuất Hiện, tất cả oai lực lặng lẽ của sự Linh Hiện. Sự Xuất Hiện, Linh Hiện là suối nguồn của tất cả mọi ý nghĩa, ban bố ý nghĩa và khai mở vạch đứt giữa mọi ý nghĩa và mọi vô nghĩa. Từ đó có vô hạn nghĩa” (tr. 9). Chưa hết, sau đó, nhắc đến mấy câu thơ của Archibald MacLeish: “… wordless / as the flight of birds… / A poem should not mean / but be.” Ông viết: “Cái chữ ‘be’ đơn sơ ở trên xuất đầu lộ diện như một tiếng sét, cái ‘là’ hiện hữu, nói lên sự xuất hiện của Tính thể và Thể tính: sự hiện thể, hiện tính, hiện tính thể của chính tính thể, sự hiện thân nguyên vẹn, sự hiện diện sung mãn của cái ‘là’, cái ‘có’; sự hiện diện ở đây chính là sự thị hiện bất ngờ từ cái không đến cái có, từ cái không là đến cái là, thoáng hiện, thoáng mất như tia chớp. […] Bài thơ là sự hiện diện, hiện tính, thị hiện; sự hiện diện chẳng những là hiện diện của chính sự hiện diện mà lại còn hiện diện ngay cả sự khiếm diện, ngay cả sự mất tích và xa vắng.” (tr. 10-11). Cách viết như thế đã xuất hiện ngay từ Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1965), một trong những tác phẩm đầu tay của ông. Sau khi nêu lên năm chữ: chay, cháy, chày, chảychạy trong tiếng Việt, Phạm Công Thiện viết:

“Tất cả tư tưởng triết lý đạo lý của Việt Nam đã nằm trong năm chữ trên. Con đường của tinh thần Việt Nam phải đi trên năm bước tuần tự: trước nhất phải trong sạch thuần khiết, phải giữ nguyên tính thuần tuý, sạch sẽ, không pha trộn với ngoại chất (CHAY), nhờ thế thì sức mạnh tâm linh mới bừng cháy dậy như cơn hoả hoạn thiêng liêng thiêu đốt cho tan hết mọi nhỏ nhoi tầm thường rác rưởi (CHÁY) và nhờ ngọn lửa thiêng liêng bùng cháy trong tim cho nên sống hồn nhiên liều lĩnh, không cần tranh đua lý sự gì nữa cả, vượt lên trên mọi dự trù tính toán và lồng lộng phăng phăng, ngang dọc, đầu đội trời chân đạp đất, liều lĩnh, không sợ hãi (CHÀY), vì sống như thế, nên sức sống ào ạt phăng mạnh như nước lũ (CHẢY) cho nên không vướng mắc gì nữa, không vấp, không kẹt vào trong bất cứ cái gì trên đời này (CHẠY).
Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hegel hay Karl Marx, không cần phải đọc Khổng Tử và Lão Tử, không cần phải đọc UpanishadsBhagavad Gita, chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nói lại tiếng Việt Nam và bỗng nhiên nhìn thấy rằng tất cả đạo lý triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sẵn trong vài ba tiếng Việt đơn sơ như CON và CÁI, như CHAY, CHÁY, CHÀY, CHẢY, CHẠY và còn biết bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta đã bỏ quên một cách ngu xuẩn.” (tr.xi-xii)

Thì cũng yêu chữ, nhưng ở nhiều cây bút khác, chúng ta chỉ được dẫn đến những điệu ầu ơ cũ rích. Ở Phạm Công Thiện, chúng ta bắt gặp những ý tưởng thật thâm trầm và thú vị. Rõ ràng bên cạnh tình yêu đối vối chữ, ông còn có một tình yêu gì khác nữa. Đó là tình yêu gì? Giới hạn trong phạm vi văn học, không chừng đó là tình yêu đối với cái khó, cái phức tạp và cái trừu tượng. Trong tập Mặt trời không bao giờ có thực (1967) của ông, tôi thích hai đoạn này:

“Cái gì làm tôi không hiểu nổi, cái ấy làm tôi say sưa yêu dấu.” (Số XXXVI)

và:

“Tôi yêu những gì khó khăn, những gì khô khan, những gì rắc rối. Tôi yêu đọc những quyển sách khó hiểu và nặng nề. Tôi thích đọc những quyển tiểu thuyết khô khan lượm thượm dài dòng, tôi ưa những cánh cửa đóng kín, những hàng rào cao.” (Số XXXVIII).

Nói đến chuyện khó hiểu, không thể không nghĩ ngay đến chính các cuốn sách của Phạm Công Thiện. Không ít người vẫn cho văn của Phạm Công Thiện là tối tăm. Tôi nghĩ ngược lại. Vấn đề không chừng là ở cách đọc. Có thể vận dụng kinh nghiệm đọc Kafka của Phạm Công Thiện vào việc đọc chính Phạm Công Thiện: “Một thi sĩ đọc tác phẩm của Kafka sẽ hiểu gấp ngàn lần hơn một triết gia, học giả hay nhà phê bình.” Lâu nay, tôi vẫn đọc Kafka từ góc độ của một nhà nghiên cứu và nhà phê bình. Và tôi không chắc các nhà thơ trung bình có thể biết và hiểu Kafka nhiều hơn tôi. Nhưng riêng với Phạm Công Thiện thì tôi tin cách đọc từ góc độ một nhà thơ sẽ có hiệu quả lớn.

Tôi đã đọc (lại) các tác phẩm của Phạm Công Thiện như đọc những bài thơ. Với một tâm cảm thơ. Và tôi thấy mọi thứ đều dễ dàng. Trong vắt.

Melbourne 5 tháng 1.2009
________
Trích dẫn:
Phạm Công Thiện (1965), Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Sài Gòn: An Tiêm; tái bản lần thứ ba (1966). [Xem bản điện tử do talawas thực hiện].
Phạm Công Thiện (1967), Mặt trời không bao giờ có thực, Sài Gòn: An Tiêm. [Xem bản điện tử do talawas thực hiện].
Phạm Công Thiện (1967), Hố thẳm của tư tưởng, Sài Gòn: Phạm Hoàng xuất bản. [Xem bản điện tử do talawas thực hiện].
Phạm Công Thiện (1967), Im lặng hố thẳm, Sài Gòn: An Tiêm; tái bản lần thứ hai (1969). [Xem bản điện tử do talawas thực hiện].
Phạm Công Thiện (1988), Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất, California, USA: Trần Thi.
Phạm Công Thiện (1996), Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, California, USA: Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới.
Phạm Công Thiện (1996), Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, Giải Nobel Văn Chương 1995, California, USA: Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới.

You may also like...