Lưng Chừng Cuộc Chơi

12

Từ em bỏ phố lên rừng

Bỏ trăm năm mộng lưng chừng cuộc chơi

Từ em ngưng đếm sao rơi

Mịt mù sinh tử, nghiệm đời: sắc không 

Ba ngày Tết vèo qua như cơn gió thoảng qua thềm. Tết ở đâu? Có phải ở những chậu hoa rực rỡ được trưng bày ở gian hàng trong chợ? Hay những bản nhạc xập xình và dòng người tấp nập? Thật ra Tết ở ngay trong dòng tâm thức của chúng ta. Chúng ta muốn Tết thì có Tết, không muốn Tết thì thôi.  Đó là nỗi sầu tha hương mà muốn quên cũng không được, muốn nhớ cũng không xong.  Thật vậy, sự huyên áo của những ngày Tết không làm vơi đi nỗi mênh mang trong lòng của biết bao người. Mấy chục năm sống trên đất người,  tiếng pháo đì đùng và ánh lửa bập bùng đã lịm dần từ vùng ký ức. Tết, đôi khi không là ” đi để cho có “, ” làm vì người ta làm”  mà nhiều người chọn cho mình một ý nghĩa riêng. Riêng cô, cô muốn nấu những món ăn thật ngon cho mọi người trong gia đình quây quần bên nhau thưởng thức. Trên bàn thờ, hương trầm toả khắp không gian để tưởng nhớ đến ông bà, những người thân đã ra đi. Đưa tiễn năm cũ đi và đón năm mới bằng sự quán chiếu luôn là điều thu vi.

Đầu năm giành phút giây yên tĩnh bên tách trà quyện mùi trầm hương và những áng thơ xưa gợi bao hồi tưởng.  Những người có tâm hồn nghệ sĩ thường có một thế giới rất riêng, rất lạ. Họ buồn khi thế gian vui và mẫn cảm với mọi thứ, nhưng mạnh mẽ với phong thái riêng biệt. Nghệ sĩ dễ bi lụy. Sự tỉnh thức và bi lụy đôi khi mâu thuẫn nhau nhưng dù sao, nó thăng hoa và tô điểm cuộc đời vốn đầy rẫy ô trược. Sự mẫn cảm quá độ cũng có thể làm người nghệ sĩ chênh vênh: Một niệm – thênh thang, một niệm – vật vã.

Thơ ca chuyên chở sự lắng đọng, và có có thể khiến tâm trở nên thánh thiện hơn. Cô chọn hai nhà thơ Lý Bạch và Tagore làm món quà đầu năm cho mình. Lời thơ Tagore mềm mại nhưng ẩn kín nhiều triết lý sâu xa. Ngôn ngữ chứa đầy sự bi mẫn, thiết tha, và êm đềm như dòng Hương Giang lặng lờ. Tính nhân bản được lột tả rõ nét trong thơ Tagore. Trong khi Tagore thiết tha với vạn vật hữu tình: những cánh chim lạc, đóa hoa hồng rực rỡ …Lý Bạch lại  bay bỗng với cõi bồng bềnh, với ánh trăng huyền ảo lung linh.  Nỗi đắm đuối đó rung lên trong từng câu từng chữ như khúc nhạc lời thơ.  Lý Bạch vừa say rượu, vừa say trăng và cả hai quyện chắt  lấy tâm hồn thi nhân để ông thốt lên những lời thơ chất ngất.  Đọc thơ Lý Bạch, người ta có cảm giác như lạc vào chốn tiên cảnh bồng lai. Thơ Lý Bạch dường như có chất trị liệu tinh thần (therapeutic) tâm hồn bởi hình ảnh siêu thực của trăng mà đòi hỏi một sự tưởng tượng phong phú nơi người đọc.

Đó là  tinh hoa của văn chương. Còn dòng đời ngoài kia thì sao? Nhiều tâm hồn đẹp vẫn đẹp. Nhiều tâm hồn loạn tưởng vẫn loạn tưởng. Vẫn gào rú, vẫn quằn quại, vẫn đảo điên. Chúng ta bận rộn nghĩ đến việc người khác thay vì nghĩ đến việc mình. Tâm lý con người thường thích soi rọi người mà và quên chăm chút cho mình. Chúng ta hớt hả chạy theo ảo ảnh và mất hút bóng mình một cách vô thức, rồi thả dòng tạp niệm lăn tăn cứ lo, cứ sợ người khác nghĩ gì về mình, nói gì về mình. Điều này cũng dễ hiểu vì  lý duyên khởi cho rằng mọi vật không thể tự nó mà thành và tồn tại một cách độc lập. Chúng ta tồn tại bởi sự tương quan lẫn nhau. Cũng chính sự tương quan này nên chúng ta quan tâm với điều người khác nghĩ gì về mình.  Bên cạnh đó, cuộc đời là một chuỗi dính mắc.  Dính nhiều hay ít tuỳ theo sự ham muốn và tỉnh thức của mỗi người. Càng nhiều dính mắc, càng hụp lặn, càng bám chấp và càng phiền não.  Gở bớt gút mắc là chân lý “nói dễ khó làm” và cần sự nổ lực lớn.  Dính mắc mà không biết mình dính mắc mới khổ. Và dính mắc mà không thể gở ra lại càng đọa đày.  Con người là một sinh vật có thể gây nhiều lẫm lỗi. Những vấp ngã cho chúng ta nhiều minh triết trong đời sống mà chúng ta thường trải nghiệm bằng chính bản thân.

Năm cũ đi qua năm mới đã bắt đầu. Quá khức và hiện tại đan xen lẫn nhau trong biển tư tưởng và sự liên tưởng giữa hai trạng thái trói buộc vào ý thức và hành động trong con người. Rồi, chúng ta mãi đi tìm một chân lý, một lý tưởng vay mượn mà quên đi rằng mình có thể tự tạo cho mình chân lý và lý tưởng bằng việc làm thiết thực cho bản thân.  Chúng ta mượn một hình ảnh, hoặc bám víu vào một tàng cây để vơi đi nỗi lạc lõng  mà quên rằng mình cũng có thể trở thành vĩ nhân cho chính mình. Phải nhìn nhận rằng khi chúng ta giành nhiều thời gian cho sự “tưởng” và “nghĩ” rồi kết cục đâm ra thất vọng, chán chường, đau khổ.  Trầy trụa hay vinh quang rồi cũng trôi theo dòng biến dịch luân lưu. Hạnh phúc và khổ đau là những tác nhân trong hàng ngàn tác nhân khác tạo nên sự ưu não ẩn hiện trong kiếp nhân sinh.

Đầu năm thưởng thức thơ Tagore và Lý Bạch như uống một ngụm nước suối mát trong, như cầm một chiếc gương soi rọi xuyên thấu nội tâm. Bên giọt sầu tha hương lã chã những giọt thênh thang…

Chiều cuối năm giọt sầu rơi rũ

chốn bụi lao xao

dập dìu truy hoan

lữ khách lạnh lòng mơ về phố cũ

vọng hồi chuông tỉnh thức

chập chờn cơn mộng mị

cõi trần ai ngấn lệ như sương sa

chiều cuối năm hồn hoang tơi tả

man man đồi vọng tưởng

xa xăm

chơi vơi…

Chơi vơi vì xuân đến rồi đã đi, tất cả theo quỹ đạo tuần hoàn với sự bắt đầu và kết thúc.

Sống tỉnh thức đôi khi cần buông  lưng chừng cuộc chơi…thì cũng đành!

01.31.2017

Lê Diễm Chi Huệ

 

 

 

 

 

You may also like...