Xuân Về Lật Những Trang Thơ

tim_zpsd4159d87

Xuân về là dịp gợi nhớ với chập chùng ký ức của những mùa xuân qua.  Xuân là cõi nhớ quên, là một chuỗi ngày hồi tưởng. Ngày xuân lật những trang thơ, bỗng dưng nghe lòng rưng rức nhớ.  Hơn bốn mươi năm trôi qua, những người con tha phương khắp năm châu bốn bể vẫn đau đáu ngóng về quê nhà.  Cuộc sống phồn vinh thoải mái về vật chất nhưng trong sâu thẳm vẫn còn chút gì để nhớ, để thương. Không nhớ không thương sao được khi còn biết bao nhiêu mảnh đời khốn khổ.  Mặc dù hòa mình vào nhịp sống vồn vã, nhưng lắm lúc nghe những bản tin từ quê nhà mà ruột thấy quặn đau. Muốn quên nhưng lại nhớ.  Cuộc sống Tây hóa đến đâu cũng không Tây hóa được tâm hồn bao con cháu Lạc Hồng:

Sống với núi mà hồn chưa hóa núi

Đôi khi lòng còn thơ thẩn một dòng sông

(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

Dòng sông đó có phải là dòng sông quê hương với bao tự tình dân tộc. Sự u hoài kia vẫn đeo đẳng và bám lấy những tâm hồn lưu lạc. Nhìn màu sắc sặc sỡ từ những lẳng hoa mai, chùm pháo giăng đầy lối đi mà không khỏi vương lòng.  Giữa không khí xuân rộn ràng chợt dấy lên niềm cô liêu trĩu nặng ngút ngàn tràn cả mắt mi:

Hoàng hôn giăng phủ sau đồi

Quê cha đất tổ bồi hồi nhớ nhung

Mênh mông mây nước muôn trùng

Cô liêu hồn trĩu mông lung ngút ngàn

(Lê Diễm Chi Huệ)

Nỗi mênh mang vờn sau khóe mắt. Trong những tấm bích chương quảng cáo chương trình vui xuân dán khắp các siêu thị Việt nam với ba chữ “Xuân Tha Hương” chạm vào khắp ngõ ngách của tâm hồn.  Thoạt đầu mới nghe ba chữ đó thì không thấy gì đặc biệt nhưng ngẫm lại thì thấy bồi hồi da diết, da diết đến lạ kỳ, da diết từ hơn bốn mươi mốt năm qua và có thể đến trăm năm và ngàn năm sau nữa.  Những vần thơ của Bà Huyện Thanh Quang trong bài Thăng Long Thành Hoài Cổ như hâm nóng một vùng kỷ niệm. Dấu tích xưa như bóng ma lũ lượt hiện về làm cho sự liên tưởng trở nên tịch mịch. Cảnh cũ đó vẫn trơ vơ, người đây vẫn võ vàng theo năm tháng:

Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

(Bà Huyện Thanh Quan)

Ngày xuân là ngày gặp gỡ bạn bè để ôn cố tri tân.  Ở hải ngoại, cho dù không có những cuộc gặp gỡ tay bắt tay, mắt chạm mắt, nhưng vẫn có cuộc gặp gỡ viễn liên râm ran với lời thăm hỏi, chúc tụng. Trong cái hân hoan của những cuộc hội ngộ vẫn có đôi mắt ướt ôn lại một “khung trời hội cũ”.

Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ

Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

(Tuệ Sỹ)

Ai vui thì vui, còn ta, một tách trà, vài trang thơ cũng đủ thăng hoa niềm vui tục phố. Những vần thơ của kẻ thoát tục mà khiến cho hồn bao kẻ trần tục phải sướt mướt, phải bi lụy. Thật vậy, thơ có tính chất vượt thoát, vượt lên trên cả những định kiến, những suy luận đặt để bởi con người, thoát ra khỏi những thương ghét, hỉ nộ ái ố của trần gian để đến cõi bồng bềnh.  Hồn thơ, người thơ như du tử lang thang, phiêu diêu trong miền lãng đãng sương khói. Có những vần thơ, đọc bao nhiều lần, mỗi lần đọc hồn vẫn run rẩy.

Xuân đến xuân đi là thông điệp của vô thường, là tiếng chuông tỉnh thức trong tiếng hư vọng trầm thống của một kiếp nhân sinh. Người nô nức đón xuân về và cũng có người nức nở đưa tiễn người thân ra đi.  Những hạt bụi tro cốt quyện vào những hạt bụi vàng từ đóa hoa mai bay mù mịt giữa trời. Sự hòa hợp vô định trong không gian thời gian, xoay mãi từ vô lượng kiếp.

Mùa Xuân thiếu vắng

Gió lạnh không gian

Cành mai thưa thớt

Lấm tấm bụi vàng

Quảnh quất đâu đây

Bụi hương thơm ngát

Chết, sống, bụi ơi

Đều là cõi tạm

(Bùi Hồng Lĩnh)

Sống – chết chuyển giao nhau như cuộc giao mùa của đất trời.  Đời là cõi tạm, một nhà ga đón đưa lữ khách trần gian về thế giới bên kia. Tương phùng rồi chia ly, đọng lại trong tâm thức bao kỷ niệm như xác pháo xuân tơi tả:

Ai đi qua đời nhau

Mà chưa từng nhỏ lệ!

(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

Biết là vô thường nhưng nhưng lòng vẫn man mác!

Huế buồn chi vào những ngày cuối năm

Cho lạnh buốt xương da hồn lữ thứ

Bốn mươi năm gót mòn cuộc lữ

Đêm vẫn dài ru mãi giấc rong rêu

(Lê Diễm Chi Huệ)

Không buồn sao được khi phải tạm dung trên mảnh đất không phải của ông cha mình. Không buồn sao được khi biết bao nhiêu em bé phải lê lếch bên vệ đường với đủ cách mưu sinh trong những ngày xuân nơi quê nhà. Xuân là niềm hân hoan với bao nhà, nhưng cũng là nổi trăn trở của bao kẻ màn trời chiếu đất. Và đêm của nhiều người xa quê vẫn dài để ru giấc mộng hồi hương mịt mù.

Lại một mùa xuân thương, xuân nhớ trôi qua…

01.22.2017

Lê Diễm Chi Huệ

 

2 Comments on “Xuân Về Lật Những Trang Thơ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *