Gần một tháng lịm trong khổ đau tột cùng, cô râm ran khấn nguyện ngày đêm. Như một người đang chết đuối giữa cuồng phong bão táp. Cô vô hồn, thẩn thờ trong lời cầu khẩn. Gần mười năm sau biến cố, những tưởng cô thấm đẫm khổ đau nhưng đó chỉ là những vết trầy xước ngoài da, đối với tâm hồn cực kỳ mẫn cảm, một tâm thái “thương mưa khóc gió” vốn dĩ là bản chất của cô từ thủa lọt lòng. Lần đó, cô đã được cứu vớt, được nâng đỡ, được trợ giúp, được dẫn dắt để cô vực dậy sau thương tích do vô minh gây ra. Dù sao biến cố đó thiêu rụi lòng nhiệt huyết, bao cuồng si, bao bi lụy – tất cả chất liệu một tâm hồn nghệ sĩ. Những dòng cảm xúc da diết tưởng như đã được bão hoà và cô cảm nhận mình đã bước ra từ màn đêm đen đặc và thênh thang trong những bước chân trần. Cô thầm cảm niệm ân phước Bề Trên gửi sứ giả về cứu giúp. Sứ giả của cô là anh, một nhân duyên tiền kiếp đã rời xa cõi trần gian hai mươi năm. Cô nhớ lại lần đầu tiên sứ giả trở về từ cõi chết, cô khóc như mưa. Cô khóc không phải vì nhớ thương mà là vì bối rối và kinh ngạc. Thế giới như đảo lộn trong sự hiểu biết hạn hẹp của cô. Thì ra, có cái thế giới song song với thế giới người trần mắt thịt hiện ra trước mắt cô chứ không phải ảo mộng. Cô bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm và suy nghiệm về biết bao điều mà các bậc giác ngộ đã khai nhãn bao ngàn năm trước.
Từ đó, cô chênh vênh, bồng bềnh giữa muôn cõi! Lúc lên non, khi xuống chợ, lúc thương mây, khi khóc gió bằng tâm cảm của một người nghệ sĩ chạm vào ngưõng cửa tâm linh. Một hành trình cô đơn, đôi khi cô đơn đến tột cùng, nhưng cô đơn là hương vị của sự giải thoát, ít ra là giải thoát từ những lao xao trần thế. Những tưởng mọi giông bão đã đi qua, nhưng rồi, nó lại ụp đến khiến cô suy sụp. Bao năm cô ỷ lại, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, chuyện ngoài chuyện trong cô đều được nâng đở nhưng lần này lại mù tăm. Cô cảm thấy chới với, một mình tự bơi giữa cơn lốc xoáy khi bản thân không biết bơi. Cái thói ỷ lại, thói được “cưng như trứng hứng như hoa” hình thành từ sự nuông chiều của gia đình ít nhiều ảnh hưởng tâm thái của cô, và cô đã bồng bềnh bao năm. Đôi khi cô chiêm nghiệm, cái tính vô tư tự đó là sản phẩm từ gia đình hay do tiền kiếp của cô là một ca kỹ trong cung suốt ngày chỉ biết ca hát, có kẻ hầu người hạ.
Mười năm lãnh hội, và trắc nghiệm. Bản chất bướng bỉnh cản trở ít nhiều con đường tiến hoá tâm linh của cô. Không bướng bỉnh sao được khi cô vẫn còn người đời vẫn mang chủng tử hỉ nộ ái ố trần gian. Cô cố áp dụng những điều mình được giáo huấn nhưng đôi khi lại vật lộn với cái tâm chấp ngã, cái tôi ngã mạn. Càng học hỏi cô càng thương Phật, càng muốn làm ăn mày cửa Phật, nhưng sứ giả muốn cô sống cuộc đời bình thường, trả hết nghiệp duyên trong kiếp này. Lắm lúc cô trầm tư, khát khao một cái tâm giải thoát tịch lặng giữa hư không vô tận, như đám mây trắng lơ lửng giữa bầu trời xanh bao la. Nó ẩn hiện khiến cô đối đầu với sứ giả của mình bởi điều duy nhất là anh mong muốn cô sống vui và hạnh phúc. Anh muốn bảo vệ cô từ những vấp ngã, cám dỗ trần gian.
Và rồi lần này, cô đã gục ngã. Anh về giữa khuya sau gần ba tuần cô thoi thóp. Đầu óc trống rỗng không thể giấy lên bất kỳ dòng cảm xúc nào.
“Mấy tuần qua, em chết lên chết xuống, anh đâu? Anh có biết em chết lên chết xuống không? “
“Họ không cho anh về!”
“Sao vậy?”
“Hở chút là vỗ về quen đi!”
Cô hỏi là vì những lần trước, hễ có chuyện dù nhỏ hay lớn anh đều về làm công tác trợ giúp để cô có cái nhìn sáng suốt hơn về vấn đề. Nhờ vậy, cô đã đứng dậy từ bao khổ nạn.
“Họ nói lần ni để em tự đứng dậy”
Dù lòng rối bời bời nhưng cô muốn gào lên:
“Trời ơi là trời!”
Như con thú dữ đã bị thuần thục, giờ đây cô không còn sinh lực để thắc mắc hay ý kiến.
Cô thều thào như khóc:
“Kiếp sau em muốn đi tu”
Cô than vãn với câu mà người đời thường nói khi gặp nghịch cảnh:
“Đời là bể khổ!”
“Khổ chi mà khổ! Em có quá nhiều phước báu. Cái chi cũng có”
Cô chợt giật mình nhận ra đúng như lời anh nói. Tuy nhiên, cô vẫn cho rằng anh không hiểu uẩn khúc của biến cố lần này.
“Em mà cứ than van là họ lấy đi hết phướu báu đó!”
Cô biết anh hay đánh đòn tâm lý để trấn an cô bởi cô biết phước báu mỗi chúng sinh tích luỹ công đức từ bao đời. Đâu phải tự nhiên mà cô có được, nhưng dù sao cô vẫn cảm niệm sâu xa những phước báu mà cô đang có để một tâm hồn mong manh dể vỡ, một tâm thức bồng bềnh như cô có thể nương tựa.
“Xong rồi. Chuyện xong rồi. Em phải sống tích cực. Hưởng những phước báu mà mình đang có để giúp đở người khác”
“Xưa nay tính em thương người cũng thích giúp người mà”
“Giúp thì giúp nhưng không mang tâm phân biệt, và phán xét người khác”
“Em sợ rồi, chừ như cọng bún”
“Ừ để coi được bao lâu”. Anh vừa nói vừa cười khẩy như trêu chọc cô
Cô không có tinh thần nào để lí lắc hay đấu khẩu với anh. Cô đồng ý với suy nghĩ sống tích cực đem lợi lạc cho tha nhân, nhưng tâm hồn đa sầu đa cảm khiến cô dễ xúc động, và vụn vỡ nhất là khi bản thân mình đang chơi với giữa nghịch cảnh. Càng giãy giụa trong khổ đau,cô càng chiêm nghiệm lời Phật dạy về khái niệm ái kiết sử là xiềng xích khổ đau trên thế gian khiến chúng sinh trầm luân trong sinh tử luân hồi.
Thấy cô trầm ngâm, anh tiếp tục giảng giải hy vọng trấn an cô:
“Hồi xưa anh làm Health Director cho Harris County, hằng ngày coi hồ sơ thủ tục giải phẫu những ca như ri”
Cô vẫn thở dài
“Anh lấy nhận xét và kiến thức y khoa để nói cho em hiểu”
Thấy cô không động tịnh, anh tiếp
“Anh hỏi rồi! Em phải tỉnh táo lại”
“Hồn em như đã chết anh ơi!”
“Chuyện lớn răng anh không về!”
“Anh nói rồi, họ không cho anh về. Mà sau đó anh xin về sau khi biết chuyện”
Cô vẫn mếu máo than khổ.
“Họ nói giúp em đủ rồi, để thời gian giúp người khác”
Cô miên man thả mình theo dòng suy nghĩ riêng
“Anh, khổ quá anh ơi! Kiếp sau em cũng chỉ muốn là người xuất gia”
“Tu chi mà tu! Tu chỉ là một hình thức. Đâu phải cạo đầu vô chùa là hết phiền não đâu. Em nên nhớ tu là đón nhận mọi nghịch cảnh, chứ không phải cạo đầu là tu”
“Biết rứa!”
Cô biết anh không thích tâm thái yếm thế nên gàn giọng:
“Em, suốt ngày đeo earpod lỗ tai nghe pháp. Nghe chi mà nghe, nghe hoài tẩu hoả nhập ma”
Cô công kích lại:
“Anh cao siêu lắm, sao anh không đi tái sanh đi, hai mươi năm rồi mà còn đó!”
“Đáng lẽ anh đi rồi, nhưng anh xin ở lại”
“Anh xin ở lại để ở đây giúp đở những người mới xuống”
Cô thầm nghĩ, anh nói thì nói vậy nhưng cô biết anh ở lại là vì cô. Anh chưa đi là vì cô. Nghĩ đến anh, cô sợ vì cô không muốn mình như vậy. Cô không muốn dính mắc như anh. Nhìn anh cô sợ hãi và càng muốn mình có trí tuệ để giải thoát khỏi xiềng xích ái kiết sử thế gian.
Con đường thức tỉnh tâm linh của cô bắt đầu từ anh, sự kết nối thế giới bên kia. Anh càng khai nhãn cho cô về cõi giới tâm linh, cô càng thương Phật và muốn về với Phật. Biến cố lần này là cuộc gội rửa, bức đột phá cho cô thật sự nếm mùi vị khổ đau và quán chiếu lời Phật dạy để tư duy cho mình hướng đi đích thực và tự thân. Xưa nay cô nghĩ là mình đã thu mình đã đủ khéo léo vén dọn khu vườn tâm linh. Thật ra cô chỉ an trú trong chánh pháp tìm sự bình an nội tâm nhưng điều cô cần nhất khi đứng trước nghịch cạnh, lại không có. Cô không chuyên cần, không có định lực và mà hiểu pháp như một kẻ cỡi ngựa xem hoa. Cô sống quá nhiều với tâm cảm của một người nghệ sĩ “thương trăng khóc gió”. Cô có cảm tưởng cánh cửa tâm chợt mở toang hoà vào tâm của muôn ngàn chúng sinh khác đang đau khổ tột cùng như cô.
Màn đêm đen đặc bao phủ không gian tịch lặng. Cô hiểu rằng từ nay cô phải tự đốt đuốc mà đi, điều mà Đức Phật luôn chỉ giáo. Cô ý thức rằng trên con đường tâm linh, cô phải phát huy tự lực qua nhiều phương cách thì hoạ may tha lực mới có thể phát sinh.
Tuệ giác chuyển khóa khổ đau bằng năng lượng yêu thương loé lên trong tâm trí. Cô chợt thương cảm và tự nhiên thấy thương hoa, thương cỏ, thương giun dế và muôn vạn sinh linh khác đang hiện hữu trong đất trời. Cô nói với lòng mình rằng sẽ chuyển hoá khổ đau bằng năng lượng yêu thương để hoà cùng năng lượng vũ trụ bao la.
“Ta là cát ta sẽ về với bụi
Trả trần gian những cay đắng muộn phiền
Hồn ta sẽ về nơi cao xanh ấy
Không còn buồn lo lắng chốn trần ai!” -BG
01/29/2025
Lê Diễm Chi Huệ