Tuy Xa Mà Gần

dainoi

“…Tôi hổ thẹn mười năm viết bài thơ kể lể

Một góc tâm tình gửi Huế yêu thương” (Xuân Tâm)

Ngay từ nhỏ, tôi đã có cảm giác xúc động khi đọc thơ của thi sĩ Xuân Tâm. Lúc đó tôi chưa xa Huế mà đã thấy nao nao trong lòng. Bây chừ, không phải mười năm như người thi si ấy mà đã trên hai mươi năm. Ngẫm lại hai câu thơ kia, thêm thấm thía cõi lòng.Huế để lại trong ký ức tôi những tà áo dài thướt tha bay rập rờn như đàn bướm trắng, Huế tự bao giờ là nguồn cảm xúc vô tận trong hồn thi nhân. Nhớ mãi những đêm gió mát, ánh trăng rọi xuống mặt nước lặng lờ trên dòng sông. Huế có bong Mạ thướt tha trong tà áo dài mỗi khi bước ra khỏi nhà, những câu hò, lời ru con ngọt như mía lau như câu ca dao “Mẹ già như chuối ba hương Như xôi nếp mật, như đường mía lau”. Huế trong tôi là những lời răn dạy, tư tưởng “cổ kính” của Mạ, bàn tay khéo léo của Ba, tất cả gắn liền với dòng đời trôi nổi của tôi. Mỗi câu nói đều phảng phất chất Huế, gắn bó tâm tình Huế vừa đậm đà, vừa thiết tha, chắc chiu nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ thủa còn nằm trong nôi.

Hoàn cảnh thời gian và không gian đưa tôi xa Huế cả một bến bờ đại dương. Ba Mạ tôi là nhịp cầu nối liền tôi với Huế, riêng Mạ là người ảnh hưởng tôi nhiều nhất. Tôi là con út trong một gia đình đông anh em. Dĩ nhiên, tôi được Ba Mạ “cưng như trứng, hứng như hoa”. Rứa mà, tôi vẫn thường bị những đòn mắng yêu của Mạ. Ở đây, cuộc sống xoay vần với thời gian. Ði, đứng, nằm, ngồi, cái gì, việc gì cũng vội vàng. Mỗi lần thấy tôi hối hả bước ra cửa, Mạ thường la rầy: “Chưa đi đã chạy là người vô duyên”. Thích chí điều gì tôi cười thoải mái, cười ngoặt ngoẻo liền bị Mạ la: “Con gái chi mô, chưa nói đã cười”. Tôi nũng nịu lại: “Mạ!! Mạ làm như hồi xưa rứa. Bên ni có thì giờ mô mà yểu điệu!” Chưa hết, mỗi khi đói bụng, tôi ăn thoải mái, nhai hả hê theo kiểu “hưởng thụ”, Mạ rầy: “Con gái ăn chi mà nghe to rứa”. Ðôi lúc tôi cũng phản ứng lại: “Mạ! con không thích làm thục nữ mô. Chi khó rứa?”. Phản ứng này thường làm Mạ tôi phì cười. Mà đúng thật, Mạ tôi vốn khó từ từng lời nói cho đến cách ăn mặc. Mạ khuyên tôi để tóc dài để cho Mạ ngắm. Mạ muốn là con gái Huế phải có mái tóc dài, ăn nói phải nhỏ nhẹ, không hấp tấp. Hồi nhỏ, tôi quen thói được cưng chiều. Ăn nói lộp bộp, hốp tốp nên bị Mạ rầy: “Ăn nên đọi, nói nên lời. Người lớn đang nói, con nít không được nói hớt”. Bạn bè tôi ai cũng biết Mạ tôi khó lắm. Lâu lâu chúng ném tôi câu: “Mần O gái Huế răng khổ rứa!”. Thoạt đầu tôi phản ứng lại bằng những câu giải thích vu vơ, nhưng riết rồi cũng quen. Tôi thường nghe Mạ nói: “Người Huế rứa đó, trong nhà dù không còn một hột gạo, nhưng đi ra ngoài phải khăn áo chỉnh tề”. Câu đó thường làm tôi cười vì cái điệu “khăn áo chỉnh tề” đó đã làm cho Ba tôi một thời ngẫn ngơ vì áo tím của Mạ. Tôi nghe Ba tôi kể lại: “Mạ mi hồi xưa tóc dài đen mượt, bận áo dài luạ đẹp lắm”. Thì ra, Ba tôi đã say mê “dáng Huế” ấỵ.

Mạ tôi như rứa và tôi thương tất cả về Mạ. Mạ là Huế và tôi tìm thấy Huế trong Mạ. Huế trong tôi là tất cả hương vị, của dĩa bánh bột lộc thơm ngon, tô bún bò Huế cay xé lưỡi và muối ruốc, muối sả trong mùa đông giá rét. Mỗi lần đi xa về, tôi thấy bàn thờ ôn mệ được trang trí rất trang trọng qua bàn tay khéo léo của Ba. Bức liễng, câu đối gợi niềm nhớ quê da diết được mang qua từ nhà, sặc sỡ hoa văn. Một người bạn nói nhỏ với tôi: “Nói thiệt em đừng buồn nghe. Ba em trang trí bàn thờ gì mà hoa hoè quá, giống bàn thờ hát bội”. Tôi không nhịn được cười khi nghe chữ “hát bội”. Anh bạn kia đâu biết đó là tượng trưng của nghi lễ, của lòng thánh kính đối với người đã qua đời. Tôi thương nhớ Huế. Tôi ôm ấp Huế vào lòng như ôm ấp hình bóng tình nhân. Rứa đó, Huế tuy xa mà gần trong tâm tưởng, tôi vì vậy không bao giờ xa Huế. Bây chừ, Huế buồn. Huế ảm đạm, chơ vơ sau những thăng trầm biến động, nhưng Huế vẫn ấp ủ bao nhiêu hoài vọng trong lòng những người con xa Huế. Huế ơi, chờ đó mai mốt tôi về!

Lê Diễm Chi Huệ

You may also like...