Cuộc chiến Nga – Ukraine là một cuộc chiến tất yếu phải xảy ra, chỉ có những điều sau thì thật ngạc nhiên, không thể tiên liệu được:
- Khả năng tiếp vận, hậu cần của quân đội Nga quá yếu.
- Kỹ thuật tác chiến của Lục quân Nga (Bộ binh, Thủy quân lục chiến, Nhảy dù, Thiết giáp, Pháo binh, Bộ binh Cơ giới) không được huấn luyện tinh nhuệ như Lục quân Mỹ mà ngay cả Trung Cộng thì Lục quân Nga cũng còn thua xa.
- Tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm chiến đấu của quân và dân Ukraine quá cao ngoài sự tiên liệu của Putin và người Nga.
- Ba vũ khí trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có tác động hữu hiệu tuyệt vời mà Putin và Bộ Tham mưu Chính trị của Putin không thể ngờ đến được:
- 1. Asset sanction: Đóng băng tài sản (to freeze Russian oligarchs’ property, không phải tịch thu) của Nhóm lãnh đạo Chế độ Quả đầu Chính trị (Oligarchy) nên Nhóm Oligarchists không thể dùng khối lượng tài sản khổng lồ đó để tài trợ chiến tranh cho Nga mà sự đóng băng này còn tinh vi hơn ở chỗ là sau khi tái lập hòa bình thì số tài sản khổng lồ đó sẽ là ngân khoản bồi thường chiến tranh để tái thiết sự đổ nát do chiến tranh gây ra.
- 2. Financial sanction: Cắt đứt Hệ thống Thanh toán Quốc tế (Hệ thống Giao dịch Điện tử về Tài chánh và Ngân hàng Thế giới / SWIFT / Society for the Worrldwide Interbank Financial Telecommunication).
- 3. Economic sanction: Cấm vận hàng hóa.
– Và còn nhiều hình thức trừng phạt khác như không giao dịch hàng không, cấm bay, cấm đậu, cấm nhập cảnh, v.v…
I.- TẠI SAO CUỘC CHIẾN NGA — UKRAINE LÀ TẤT YẾU?
Thử tưởng tượng Nga hay Trung Cộng đem vũ khí hạt nhân đặt tại Canada hay Mexico thì Hoa Kỳ có tấn công Canada hay Mexico không? Vụ khủng hoảng Cuba năm 1962 người ta chỉ biết Khrushchev rút đầu đạn nguyên tử đặt tại Cuba về nước mà người ta ít biết Mỹ nhượng bộ Nga rất nhiều để Khrushchev triệt thoái hỏa tiển mang đầu đạn nguyên tử ra khỏi Cuba. Trong mật ước ký kết với Nga, Kennedy đã buộc Khrushchev giữ kín chuyện Mỹ rút “tất cả” vũ khí tối tân đã được thiết đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ để nhắm vào Nga! Sự nhượng bộ của Mỹ còn nhiều chuyện nữa.
Chiến tranh Nga – Ukraine có phải do Tổng thống Zelenskyy trẻ tuổi, thiếu kiến thức lịch sử và thiếu kinh nghiệm chính trị không? Không, Hiến pháp Ukraine ghi rõ Ukraine sẽ xin gia nhập NATO trước khi Tổng thống Zelenskyy đắc cử.
Trong khi hầu hết mọi người, chính trị gia (politicians), chính khách (statemen), ký giả, bỉnh bút, và các nguyên thủ quốc gia, cho đến ngày 23-02-2022, đều tuyên bố Nga chỉ “biểu dương lực lượng” để dọa Ukraine chứ Nga sẽ không đánh, không xâm lăng Ukraine thì Tổng thống Biden hơn một tháng trước ngày 24-02-2022 đã xác quyết Nga sẽ dùng “tổng lực” (all forces) để xâm lăng Ukraine. Biden thông minh, Biden tiên liệu như thần? Không phải như thế mà vì Biden biết Nga sẽ xâm lăng Ukraine như các siêu cố vấn cho lãnh đạo Chính phủ Hoa Kỳ, bất kể là Cộng hòa hay Dân chủ, từ các Think Tanks ưu việt của Hoa Kỳ.
II.- TRUNG CỘNG SẼ CHỌN VỊ TRÍ NÀO TRONG CUỘC CHIẾN NGA — UKRAINE?
Nếu Hoa Kỳ có các Think Tanks thì Trung Cộng có một Nhà Cố Vấn kỳ tài đã phục vụ cho cả ba đời Chủ tịch Đảng là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, và Tập Cận Bình; người đó là Vương Hổ Ninh. Xin vào link này để biết qua Vương Hổ Ninh là ai vì nhân vật này là người quyết định vị trí của Trung Cộng trên bàn cờ thế giới chứ không phải Tập Cận Bình: https://en.wikipedia.org/wiki/Wang_Huning
Trong khi Ấn Độ và Pakistan (hai nước địch thủ của nhau) gần như ủng hộ Nga trong cuộc chiến Nga — Ukraine vì hai tính toán khác nhau. Ân Độ biết rằng Nga phải mạnh thì mới kiềm chế được Trung Cộng giúp Ấn Độ. Pakistan biết rằng Ấn Độ ủng hộ Nga mà Pakistan không ủng hộ Nga thì Pakistan rất dễ bị Ấn Độ ăn hiếp.
Hơn ai hết, Trung Cộng thuộc lòng bài toán tương quan giữa ba nước Ngụy, Thục, và Ngô. Sau khi nước Ngụy thu phục được nước Thục thì số phận nước Ngô như đã được định đoạt rồi: nước Ngụy thống nhất Trung Quốc và nước Ngô không còn tên trên bản đồ mà tôn thất nước Ngô lại bi thảm hơn tôn thất nước Thục. Do vậy, nếu Trung Cộng không ủng hộ Nga thì Putin, nói cho cùng, cũng đi sống lưu vong với một khối lượng tài sản lớn (do một compromise chính trị để giảm bớt đổ máu), nhưng vấn đề là việc giải giới số lượng vũ khí hạt nhân của Nga theo một hiệp ước rất kỹ thuật sẽ dẫn đưa đến hai hậu quả:
- Đất nước Nga sẽ được phục hồi kinh tế và nhân dân Nga sẽ có một cuộc sống thật sự tự do và dân chủ như nước Nhật và nước Đức sau Thế chiến thứ hai; nước Nga từng bước sẽ gia nhập EU và về lâu về dài sẽ là thành viên của NATO. Khi Nga là thành viên của NATO thì Trung Cộng sẽ mất vĩnh viễn gần 2 triệu kilomet vuông phía Bắc theo nguyên trạng của Hiệp ước Yalta 1945.
- Khi vấn đề Nga đã được giải quyết thì Trung Hoa sẽ ở vào thế “lưỡng long tranh châu.”
Tuy khó khăn như vậy nhưng Vương Hổ Ninh sẽ đề nghị Tập Cận Bình theo đuổi chính sách trung lập trong cuộc chiến Nga – Ukraine như là tôn trọng nghị quyết đa số của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
III.- LỊCH SỬ LẶP LẠI?
Năm 1914 Nga hoàng Nicholas II quyết định Đế quốc Nga tuyên chiến với Đế chế Đức trong Đệ nhất Thế chiến. Nga thất bại liên tiếp ở các mặt trận, đời sống kinh tế của người dân vô cùng cơ cực đã dẫn đưa đến việc Nga hoàng Nicholas II bị lật đổ qua cuộc Cách mạng Dân chủ trong tháng 3 năm 1917 gọi là Cách mạng Tháng Hai. Nga hoàng Nicholas II và Hoàng gia gồm Hoàng hậu, một Thái tử va bốn Công chúa bị quản thúc tại gia theo lệnh của Chính phủ Lâm thời. Chính phủ Lâm thời với Bộ trưởng Bộ Chiến tranh là Luật sư Aleksandr F. Kerenskii vẫn tiếp tục cuộc chiến với quân Đức và vẫn thua trận liên miên vì tiếp vận quá nghèo nàn, binh sĩ thiếu ăn trầm trọng. Tình trạng đó đã đưa đến việc Đảng Cộng sản Bolsheviks do Vladimir Lenine lãnh đạo cướp được chính quyền từ Chính phủ Lâm thời trong tháng 10 năm 1917 gọi là Cách mạng Tháng Mười. Chính phủ Cộng sản Nga đã quyết định xử tử cả gia đình hoàng gia Nga gồm Nga hoàng Nicholas II, Hoàng hậu, Thái tử và bốn Công chúa.
Năm 1991 Tổng thống Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev bị lật đổ vì nước Nga đã bị sa lầy hơn mười năm trong cuộc chiến tranh với Afghanistan (1979-1989) làm nền kinh tế của Nga suy yếu hết sức trầm trọng, đời sống của người dân Nga vừa cơ cực vừa thiếu tự do nên chế độ Cộng sản Nga tan rã.
Có lẽ lịch sử sẽ lặp lại với Putin khi Putin lãnh đạo cuộc chiến xâm lăng Ukraine thất bại thì nội chính sẽ hỗn loạn. Các nhà tài phiệt trong chế độ quả đầu (oligarchy) của Putin không thể lật đổ Putin vì một phần là tài sản của họ bị phong tỏa, phần khác là vì họ chỉ có tiền mà không có cơ cấu thế lực chính trị trong quảng đại quấn chúng. Hệ thống an ninh của Chính phủ Nga cũng không lật đổ được Putin vì Putin có kinh nghiệm tổ chức bốn cơ cấu an ninh khác nhau để kiềm chế lẫn nhau chứ không thống thuộc nhau theo mô thức kim tự tháp. Nhân dân thì tất nhiên không lật đổ Putin được cho dầu có hàng triệu người xuống đường biểu tình phản đối đòi lật đổ Putin bởi vì biểu tình chỉ là những ngọn lửa rơm mà thôi. Nhưng có một thế lực có thể và sẳn sàng lật đổ Putin là đoàn quân thất trận trở về từ mặt trận Ukraine. Tuy vậy, nền văn hóa Nga với bốn trăm năm chế độ Nga hoàng của dòng họ Romanov chuyên chế và hơn 70 năm chế độ Cộng sản độc tài cùng 20 năm chế độ Quả đầu (oligarchy) của Putin thì Tướng lãnh Nga có truyền thống tôn trọng nguyên tắc “dân sự lãnh đạo quân sự.” Do vậy, Tướng lãnh và quân đội Nga sẳn sàng thi hành mệnh lệnh của một nhà lãnh đạo trong bối cảnh “thời thế tạo anh hùng,” miễn là nhà lãnh đạo đó tuyên hứa chịu trách nhiệm lịch sử với đất nước, trách nhiệm cơm áo gạo tiền với dân chúng trong nước, và trách nhiệm phục hưng nền kinh tế sau chiến tranh.
Trách nhiệm đó tưởng là khó mà thật ra không khó khi nền kinh tế Nga được điều hành theo khuynh hướng kinh tế thị trường và với sự hỗ trợ theo tinh thần “tối huệ quốc” trong một thời gian.
IV.- VIỆT NAM THÌ SAO?
Sau cuộc chiến Nga — Ukraine thì có thể là Trung Cộng sẽ không tấn công Đài Loan, ít nhất là trong khoảng thời gian 10 năm từ nay đến năm 2032. Việt Nam nên chọn chính sách của mình trên căn bản nghiên cứu tường tận văn bản, những hậu ý đàng sau văn bản, và hoàn cảnh thực tế của các cán cân hiện nay về bối cảnh (background) của Thông Cáo Chung Thượng Hải năm 1972 và Hiệp Định Paris năm 1973 bởi vì trong chính trị thì không có tình bạn vĩnh viễn, không có chính sách đối ngoại cố định, và không phải lúc nào một bên không tôn trọng những điều đã ký kết cũng thành công mà nên dè chừng biết đâu mình đang sụp bẩy của người ta mà mình cứ hí hửng là mình đã lừa được họ. Nhìn Biden lừa Putin vào Ukraine như là một trường hợp nghiên cứu điển hình cần phân tích thật tường tận.
Trần Việt Long