Sự hình thành
Bom nguyên tử là vũ khí mới có từ Thế Chiến Thứ Hai, nhưng nó chỉ được xử dụng hai lần trong chiến tranh khi Mỹ ném tại thành phố Hiroshima và Nagasaki. Sau đó bốn năm là thời kỳ Mỹ Nga chạy đua vũ trang nguyên tử trong cuộc Chiến tranh lạnh.
Năm 1938 tại Đức Quốc Xã người ta đã tìm ra nguyên tắc có thể chế tạo bom, bom nguyên tử là vũ khí mà năng lực do sự tách rời một nguyên tử, một nguyên tử khi bị phá vỡ, tách rời ra sẽ tạo một năng lực (sức nổ) vô cùng lớn lao.
Hồi Thế Chiến Thứ Hai Hoa Kỳ lấy mật mã Kế Hoạch Manhattan để chỉ nỗ lực chế tạo bom nguyên tử của họ vì lo sợ các nhà bác học Đức Quốc Xã đã bắt tay vào việc chế tạo từ thập niên 30 (1). Cuối năm 1942 TT Franklin Roosevelt cho thành lập Kế hoạch này để qui tụ các nhà bác học và viên chức Quân sự trong việc nghiên cứu về nguyên tử. Kế hoạch được thực hiện tại Los Alamos, tiểu bang New Mexico do nhà bác học J.Robert Oppenheimer điều hành, ông được coi như cha đẻ của bom nguyên tử. (2)
Vào ngày 16/7/1945, dưới thời TT Truman tại một địa điểm thuộc sa mạc gần Alamogordo, tiểu bang New Mexico quả bom nguyên tử đầu tiên được cho nổ thử thành công, gọi là Triniti Test. Quả bom tạo một trái nấm dù khổng lồ cao khoảng 40,000 feet (13 ngàn thước) mở đầu cho thời đại nguyên tử. TT Truman được tin báo cho biết “le bébé est né” em bé đã chào đời.
Tại Âu Châu, Đức Quốc Xã đã đầu hàng đồng minh ngày 7/5/1945 trong khi cuộc chiến Mỹ-Nhật tại Thái Bình Dương vẫn còn tiếp diễn. Cuối tháng 7/1945 TT Truman kêu gọi Đế quốc Nhật đầu hàng, nếu không sẽ bị tàn phá nặng nề nhưng họ vẫn yên lặng chiến đấu tới cùng.
Ngày 6/8/1945, Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử đầu tiên từ chiếc B-29 trên thành phố Hiroshima nước Nhật, quả bom nổ với với sức mạnh 13 ngàn tấn TNT, nó san bằng năm dặm vuông và giết ngay 80,000 người, 10,000 người chết vì phóng xạ sau này.
Người Mỹ nghe ngóng trên radio, điện tín không thấy dấu hiệu địch sợ sệt và tỏ ý đầu hàng, ba ngày sau họ thả tiếp một quả thứ hai xuống thành phố Nagasaki sát hại 40,000 người. Đúng ra họ định thả thành phố Kokura nơi có xưởng quân sự lớn nhưng vì bị khói sương đã che mờ nên phi cơ quay về thả xuống Nagasaki. Cuộc oanh tạc bằng bom nguyên tử mở đầu cho một thời đại mới: Chiến tranh nguyên tử, khác với thời Chiến tranh cổ điển đã có từ xưa bằng xe tăng, đại bác, phi cơ…
Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng ngày 15/8/1945, đó là ngày V-J Day, chấm đứt Thế Chiến Thứ Hai. Những năm tiếp theo Mỹ là cường quốc nguyên tử duy nhất trên thế giới. Mỹ và Nga đã là đồng minh cùng tấn công tiêu diệt Đức Quốc Xã từ 1945 về trước nhưng nay là kẻ thù của nhau dù không lộ diện, đó là khởi đầu cuộc Chiến tranh lạnh.
Bốn năm sau khi Hoa Kỳ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagakasi, gián điệp của Nga đã đánh cắp được các tài liệu bí mật của Mỹ để chế tạo vũ khí sát hại hàng loạt này, ngày 29/8/1949 Nga Sô đã thử quả bom nguyên tử đầu tiên (3). Cuộc chạy đua vũ trang trong cuộc Chiến tranh lạnh bắt đầu.
Trong cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956 cho thấy sức mạnh của các cường quốc nguyên tử, kênh Suez do Anh-Pháp làm chủ. Tổng Thống Ai Cập Nasser quốc hữu hóa kênh Suez tháng 7/1956, Do Thái chiếm Sinai cuối tháng 10/1956, Anh Pháp cho nhẩy dù xuống kinh Suez nhưng chưa sẩy ra chiến tranh. Khi ấy Ai Cập cho đánh chìm 40 tầu trên kênh để cản trở lưu thông (4)
Nga bênh vực cho Ai Cập và đe dọa Anh-Pháp, Thủ Tướng Khrushchev yêu cầu Anh Pháp phải rút ngay, Mỹ bèn cho máy bay hạng nặng chở bom nguyên tử ngày đêm ngầm yểm trợ đồng minh. Liên Hiệp Quốc yêu cầu Anh-Pháp và Do Thái phải rút quân về, cuộc khủng hoảng đã xong. Khrushchev hống hách đề nghị với Mỹ:
“Kể từ nay mọi việc trên thế giới sẽ chỉ do Mỹ và Nga giải quyết, sẽ không liên can gì đến những nước không có bom nguyên tử (ý nói Pháp) hoặc chỉ có một ít bom nguyên tử (ý nói Anh)”
Năm 1949 Nga thử bom nguyên tử, họ không còn sợ Mỹ, ngay năm sau tháng 6/1950 Nga và Trung Cộng đã gây cuộc chiến Triều Tiên, giúp Kim Nhật Thành tấn công miền Nam. Năm 1950 Trung Cộng chiếm Hoa Lục và giúp Việt Minh tại biên giới thành lập ba sư đoàn chính qui chống Pháp …hai cuộc chiến này đã khiến Hoa Kỳ tốn kém nhiều tiền của và xương máu.
Con dao hai lưỡi
Từ giữa năm 1940 tới năm 1996, Mỹ đã chi ra 9,610 tỷ theo thời giá ngày nay về vũ khí nguyên tử bao gồm máy bay, hỏa tiễn và các cơ sở, điều khiển, kiểm soát, bảo trì, chi phí hành chính (5)…
Người ta ước lượng Mỹ đã sản xuất hơn 70,000 đầu đạn nguyên tử từ 1945, nhiều hơn cả số bom nguyên tử của tất cả các nước trên thế giới cộng lại. Nga sô đã sản xuất ước lượng 55,000 đầu đạn nguyên tử tính từ 1949, Pháp chế tạo khoảng 1,100 đầu đạn từ 1960, Anh chế khoảng 835 đầu đạn từ 1952, Trung Cộng sản xuất khoảng 600 đầu đạn từ 1964, các nước khác chế tạo được khoảng 500 đầu đạn. Từ 1962 Mỹ chỉ thử bom nguyên tử dưới đất vì sợ bụi phóng xạ, năm 2019 Nga cũng có một số bom nguyên tử khá lớn, Mỹ và Nga chiếm khoảng 90% số bom nguyên tử trên thế giới. Năm 2019 số bom nguyên tử của Hoa Kỳ trong kho chỉ còn 6,185 đầu đạn và loại bỏ 2,385 chỉ còn 3800 đầu đạn (gần 4,000).
Thập niên 60, 70 những cuộc biểu tình lớn trên thế giới phản đối Nga – Mỹ chạy đua vũ trang nguyên tử, người ta sợ bụi phóng xạ sẽ tiêu diệt nhân loại. Từ cuối thập niên 80 tới đầu thập niên 90, TT Nga Gorbachev đã tài giảm binh bị. Có tin cho hay Nga vì mải chạy đua vũ trang với Mỹ nên đã bị kiệt quệ về kinh tế, nhưng dù sao kinh tế XHCN đã không đáp ứng được đòi hỏi của người dân, đã đưa đất nước tới chỗ kiệt quệ nên họ phải đổi mới, nghĩa là theo kinh tế tư bản để sống còn.
Nay các nước có bom nguyên tử gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Cộng, Ấn Độ, Hồi Quốc (Pakistan), Bắc Hàn, Nam Phi, ba nước thuộc địa cũ của Nga Kazakhstan, Belarus, Ukraina đã trao lại bom hạt nhân cho chủ cũ. Nam Phi đã hủy bỏ bom nguyên tử từ 1990. Do Thái tuy không nhận có bom nguyên tử nhưng họ cũng không phủ nhận
Từ 1963 Bắc Hàn nhờ Nga Sô giúp chế tạo vũ khí nguyên tử nhưng bị từ chối mà họ chỉ giúp phát triển nguyên tử phụng sự hòa bình, sau này Trung Cộng cũng từ chối giúp. Mỹ, Nga, Trung Cộng đều không muốn phổ biến bom giết người hàng loạt cho các nước nhỏ vì an ninh của thế giới.
Năm thành viên của Hiệp hội các nước có bom nguyên tử đã thỏa thuận với nhau cùng hạn chế việc phổ biếm vũ khí này. Đầu thập niên 90, Mỹ-Nga cùng tài giảm số đầu đạn nguyên tử để ổn định hòa bình trên thế giới nhưng việc phổ biến hạt nhân tại những nước nhỏ vẫn tiếp diễn.
Nay trên thế giới hai nước Bắc Hàn và Iran khao khát có bom nguyên tử, không phải để đánh ai nhưng để hù dọa những người yếu bóng vía, trước hết nói về Bắc Hàn
Bắc Hàn là một nước Quân chủ chuyên chế có lẽ độc nhất vô nhị trên thế giới, một chế độ cha truyền con nối đã được ba đời. Sau khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, nước Đức và Triều Tiên bị chia đôi. Riêng Triều Tiên miền Bắc vĩ tuyến 38 chịu ảnh hưởng Nga, miền Nam chịu ảnh hưởng Mỹ.
Kim Nhật Thành Chủ tịch miền Bắc từ 1912-1994, con trai ông tên Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) sinh năm 1941 kế vị ông từ 1994-2011. Con trai Kim Chính Nhật là Kim Jong Un (Kim Chính Ân) sinh năm 1984 đã được kế vị từ 2011 đến nay. Kim Jong Un không có con trai nối dõi, người ta cho rằng ông ta sẽ nhường ngôi lại khi qua đời cho cô em gái Kim Yo Jong (Kim Dữ Chính) sinh năm 1987.
Đây là một dòng họ tàn ác vào bậc nhất trong lịch sử nhân loại, nhất là tại triều thứ ba này, người ta thấy những cảnh anh em, chú cháu giết nhau vì tranh dành ngôi báu. Dòng họ Kim nổi tiếng trên thế giới vì tàn bạo, từ Âu sang Á ai cũng đều biết đây là một dòng họ uống máu người không tanh.
Xin có vài hàng về bom nguyên tử của Bắc Hàn. Bắc Hàn thời Kim Chính Nhất năm 2002 cho Mỹ biết họ chưa có bom nguyên tử nhưng có quyền làm bom nguyên tử, năm 2003 Bắc Hàn rút ra khỏi Thỏa ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Năm 2003 Mỹ tấn công Iraq, Bắc Hàn vội chế tạo bom nguyên tử để Mỹ không dám đụng tới họ.
Ngày 9/10/2006 Bắc Hàn tuyên bố thử thành công bom nguyên tử ngầm dưới đất nhỏ hơn một kiloton (1 kiloton bằng 1,000 tấn TNT). Ngày 6/1/2007 họ tuyên bố có bom nguyên tử.
Tháng 2/2012, thời Kim Jong Un Bắc Hàn lại tuyên bố chấm dứt thử bom hạt nhân, họ cho phép cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tới điều tra, Mỹ nói Bắc Hàn có thiện chí và chở viện trợ nhân đạo tới giúp họ. Sau đó tháng 4/2012, Bắc Hàn lại phóng hỏa tiễn tầm xa, Mỹ không cấp cho họ thực phẩm nữa.
Ngày 11/2/2013, Bắc Hàn bá cáo thí nghiệm bom hạt nhân lần thứ ba thành công và chế tạo một đầu đạn nguyên tử mạnh hơn trước. Ngày 6/1/2016 Bắc Hàn thử nghiệm bom nguyên tử lần thứ tư, họ nói đã thử nghiệm thành công bom khinh khí. Khối NATO, Trung Cộng đã lên án Bắc Hàn đe dọa an ninh thế giới. Ngày 9/9/2016 họ thử nghiệm bom nguyên tử lần thứ năm và cho biết có thể để trên hỏa tiễn bắn đi xa.
Ngày 18/2/2017 Trung Cộng tuyên bố ngưng nhập cảng than của Bắc Hàn để chống chương trình làm hỏa tiễn gắn đầu đạn nguyên tử của họ, ngày 6/3/2017 Bắc Hàn phóng bốn hỏa tiễn về phía biển Nhật Bản đã bị Nam Hàn và Liên Hiệp Quốc lên án. Ngày 4/7/2017 họ phóng một hỏa tiễn lên cao kéo dài 39 phút (930 km), Mỹ tiên đoán Bắc Hàn sẽ có hỏa tiễn liên lục địa vào năm 2018. Ngày 28/7/2017 họ phóng một hoản tiễn cao 3,700 km chạy được 1,000 km, có thể bắn tới Mỹ.
Ngày 3/9/2017, họ tuyên bố thử nghiệm bom khinh khí (H), ước lượng 250 kilotons, người Mỹ ước lượng Bắc Hàn có khoảng 60 đầu đạn nguyên tử loại nhỏ.
Cuối tháng 11/2017, họ phóng một hỏa tiễn tầm cao 4,500 km, bay xa khoảng 1,000 km, rơi xuống biển Nhật Bản, kéo dài 53 phút, các chuyên viên cho là có thể bắn tới Mỹ.
Nay Ngân sách Quốc phòng Mỹ là 740 tỷ gấp 211 lần NSQP Bắc Hàn (740/3.5), vì vậy đối với Mỹ, Bắc Hàn chỉ là thứ chuột nhắt (6). Dù là trong Chiến tranh cổ điển cũng như Chiến tranh nguyên tử Mỹ thừa sức nghiền nát Bắc Hàn.
Ngày 5/8/2017 Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc quyết định trừng phạt kinh tế Bắc Hàn để buộc họ trở lại bàn hội nghị về chương trình hỏa tiễn và nguyên tử của họ. Liên Hiệp Quốc cấm xuất cảng quặng mỏ và hải sản trị giá hơn $1 tỉ, khoảng 1/3 tổng số trị giá xuất cảng của Bắc Hàn năm ngoái. Cấm các nước không cho tăng số nhân công từ Bắc Hàn vào làm việc. Cấm liên doanh đầu tư mới với Bắc Hàn
Quyết định này làm Kim jong-Un căm giận cho là Mỹ dựng lên, ông ta hăm dọa bắn hỏa tiễn vào đảo Guam giữa tháng 8 để trả đũa.
Tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Hàn leo thang, tháng 8 và cuối tháng 10/2017, Tổng Thống Mỹ Donald Trump đã đưa ba hàng không mẫu hạm cùng nhiều chiến hạm khác tới vịnh Bắc Hàn. Các vị đô đốc đã sẵn sàng tác chiến chỉ chờ lệnh của Tổng Tư Lệnh Quân Đội nhưng Bắc Hàn nhượng bộ dần.
Một tuần sau cuộc khủng hoảng, các ông Đô Đốc đã tiết lộ những giây phút hồi hộp nghẹt thở khi họ chờ lệnh Tổng Thống để cho trút bom đạn lên đất Bắc Hàn. Hoa Kỳ không cần xử dụng bom nguyên tử, nhưng số bom đạn trên hạm đội cũng thừa sức san bằng các căn cứ hỏa tiễn của địch.
Kim Jong Un cử vận động viên và phái đoàn cao cấp Bắc Hàn tham dự Thế vận hội mùa đông tại Hán Thành ngày 9/2/2018.
Họ chịu xuống thang, ngày 27/4/2018 cuộc họp Thượng đỉnh giữa TT Nam Hàn Moon Jae In và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un mang nhiều hy vọng hòa bình tràn trề cho bán đảo Triều Tiên cũng như Đông Nam Á.. Người dân Nam Hàn phấn khởi mong mỏi hòa bình nhưng không tha thiết gì đến chuyện thống nhất.
Cho dù biết chắc Bắc Hàn có bom nguyên tử từ năm 2006 nhưng Hoa Kỳ vẫn cương quyết tấn công đất nước này, người ta sẵn sàng đánh tan Bắc Hàn mặc dù họ đã có bom nguyên tử. Kim Jong Un không lòe bịp được ai, cũng chẳng tháu cáy được ai. Ủn không điên khùng như người ta tưởng, Ủn rất khôn, mềm nắn rắn buông.
Trên thế giới nay chỉ có Bắc Hàn và Iran đang ì xèo hù dọa những người yếu bóng vía.
Iran dân số khoảng 80 triệu, gấp 8 lần dân số Do Thái, dân số Do Thái trong nước chỉ vào khoảng 9 triệu rưỡi, người Do Thái tại Mỹ chỉ có 7 triệu nhưng họ nắm giữ nhiều ngân hàng, cơ sở tài chính. Dân số Do Thái cả trong và ngoài nước chỉ trên dưới 20 triệu, nhưng là một khối văn minh tinh hoa của thế giới và có nhiều quyền lực về phương diện quốc tế.
Lợi tức theo đầu người của Iran nay 7,000 Mỹ kim trong khi Do Thái lợi tức đầu người của họ gấp 6 lần, 40,000 Mỹ kim.
Iran trước đây kình địch với Iraq vì cũng là Hồi giáo nhưng họ theo hệ phái khác nhau, nay kình địch với Saudi Arabia, quốc gia này thân Mỹ, Iran thù nghịch với Do Thái.
Iran nay đang õng ẹo, làm mình làm mẩy với Mỹ, với Tây phương, sự thực họ chưa chế được bom nguyên tử như Bắc Hàn và đang hù dọa Tây phương để chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Cho dù họ có Vũ khí này trong tay như Bắc Hàn là thí dụ điển hình, họ cũng chẳng hù dọa được ai.
Hiện nay Do Thái là nước có bom nguyên tử không biết số lượng là bao nhiêu, mặc dù Do Thái chỉ là một nước nhỏ, nhưng Iran không dễ gì đương đầu được.
Bắc Hàn đã chơi dại trong ván bài hù dọa Mỹ và Đông Nam Á, nay Iran cũng chẳng tháu cáy được ai, vũ khí hạt nhân có khả năng hủy diệt hàng loạt nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi.
Bắc Hàn đã hù dọa Mỹ nhưng cũng chỉ trong gang tấc đất nước họ đã suýt bị san bằng trong trận mưa bom đạn cách đây bốn năm.
Iran nên trông cái gương của Bắc Hàn kẻo một ngày đẹp trời trò hù dọa của họ sẽ chỉ là con dao hai lưỡi, đất nước có thể tan nát vì bom đạn.
Trọng Đạt
(1) Tờ tuần báo U.S News, số July 24-31, năm 2000 trong bài Absence of A-Bomb của Warren P. Strobel trang 50-60 có nói về chuyện này. Họ cho biết Đức Quốc Xã thất bại trong việc chế tạo bom nguyên tử: Were the Nazi duped-or simply dumb?
(2) Trang Atomic Bomb: Inventors, WWII & Facts – HISTORY
(3) Một tờ báo Reader’s Digest cũ (trước 75) có nói về 2 nhà hóa học Mỹ gốc Nga bị ra tòa vì tội làm gián điệp cho Nga. Hai nhà hóa học đã cung cấp những tin mật về bom nguyên tử nhờ đó Nga mới chế được vũ khí này
(4) Wikipedia- Suez Crisis
(5) Wikipedia -Nuclear weapons and the United States
(6) Trang globalfirepower.com