Trọng Đạt-Luật cấm oanh tạc tại Đông Dương

Diễn tiến sau Hiệp Định.

Các cuộc oanh tạc của Không lực Mỹ để yểm trợ cho quân đội VNCH rất quan trọng vì các trận tấn công lớn của CSBV đều đông gấp năm, gấp mười lần phía ta với hỏa lực mạnh, địch có khả năng tràn ngập mục tiêu. Lê Duẩn, người cầm đầu cuộc chiến thường chấp nhận tổn thất gấp năm hay gấp mười lần đối phương để đạt chiến tháng hoặc đẩy mạnh phong trào phản chiến, vả lại họ được Nga-Trung Cộng và các nước Xã Hội Chủ Nghĩa  viện trợ hỏa lực rất dồi dào.

TT Nixon đề cập vấn đề này từ các trang 1973 đến 1981 trong cuốn No More Vietnams, Không Còn Những VN.

Tháng 5 năm 1973, khoảng 4 tháng sau Hiệp Định Paris (27/1/1973) CSBV đã chở vào miền Nam 35,000 quân cùng với 30,000 tấn vũ khí, đạn dược. Nam Dương, Gia Nã Đại trong Ủy ban Quân Sự Bốn Bên nỗ lực nhiều nhưng cũng không ngăn được BV vi phạm Hiệp Định, Hà Nội tỏ ra không muốn hợp tác với Ủy Ban. Hung Gia Lợi, Ba Lan bênh vực cho BV. Ngày 7/4 CSBV bắn hai trực thăng của Ủy Ban tại Quảng Trị trên đường số 9 (sang Lào), một trực thăng rớt chết hết, chiếc kia bị thương nặng.. Canada rút khỏi UB Quân Sự này.

Tại Miên, Hà Nội ngoan cố không hợp tác với Mỹ để tạo ngưng bắn giữa Lon Nol và Khmer Đỏ, Miên Cộng tiếp tục tấn công. Khmer Đỏ được Hà Nội trợ giúp từ 1971-1972 nên rất mạnh. Hà Nội tin là Khmer Đỏ sẽ chiếm Nam Vang sau đó họ sẽ cô lập miền nam VN. Lon Nol tăng quân từ 30 ngàn tới 200 ngàn người nhưng vì trải mỏng và huấn luyện kém nên yếu. Tháng 1/1973 Khmer Đỏ đã bao vây Nam Vang, họ cắt các ngả đường chính. Mỹ phải cứu Lon Nol vì nếu chính phủ Miên sụp đổ sẽ mất miền Nam VN, nay Quốc Hội Mỹ ra luật hạn chế Hành Pháp về vấn đề này. Chính phủ Nixon chỉ còn nước oanh tạc Khmer Đỏ để cứu Nam Vang , sau đó Lon Nol sẽ tập hợp lực lượng để chống trả.

CSBV không sợ Mỹ oanh tạc vì họ vẫn xử dụng đường Lào, Miên để chở người và vũ khí vào miền Nam, tháng 4/1973 có 18,000 xe vận tải và 70,000 quân được chở vào Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh để giúp quân CS tại miền Nam trước mùa mưa. TT Nixon miễn cưỡng không cho oanh tạc hai tháng đầu của Hiệp Định (tháng 1 và  2/1973) vì sợ nó sẽ làm hỏng chương trình thả tù binh POWS ấn định vào ngày 27/3, ông cho rằng Mỹ không oanh tạc BV trở lại và không oanh tạc đường Lào là một sự sai lầm. Cuối tháng 4/1973 khả năng oanh tạc BV tan biến đi không phải do Tổng Thống mà do Quốc Hội không muốn ủng hộ, mỗi khi nói tới trả đũa BV thì Lập Pháp la ó, tháng 5 Nixon không đủ số phiếu yểm trợ cho hành động mạnh này, Quốc Hội tìm cách tước đoạt khả năng oanh tạc của ông. Các Dân biểu, Thượng nghị sĩ phản chiến chống chính sách của Hành Pháp tháng 5 và tháng 6.

Mới đầu họ chỉ muốn ra luật cấm oanh tạc bên Miên sau họ muốn cấm hết các hoạt động quân sự Mỹ quanh Đông Dương, họ cũng tìm cách cấm viện trợ tái thiết cho BV. TT Nixon nói Quốc Hội làm như vậy là rút bỏ cả củ cà rốt lẫn cái gậy trong Hiệp Định. Trong khi thảo luận cấm oanh tạc, họ muốn Chính Phủ phải giải quyết vấn đề Đông Dương bằng ngoại giao hòa bình, rõ ràng họ muốn trói tay Hành Pháp. Thượng NS Ted Kennedy phấn đấu để bỏ Đông Dương, ta chỉ ngưng bắn một phía nhưng địch không ngưng bắn. Nixon nói chúng ta phải lựa chọn hoặc oanh tạc hay bỏ Đông Dương, ngoại giao phải có quân sự hậu thuẫn mới đạt mục đích. Quốc Hội không những cắt ngân khoản oanh tạc mà chuẩn bị ra Tu chính án cấm oanh tạc toàn cõi Đông Dương

Khi lần đầu tiên Tu chính án tới bàn của TT Nixon, ông phủ quyết (veto) và nói cho Quốc Hội biết Tu chính án sẽ phá hủy cơ hội để thảo luận CSBV rút khỏi Miên. Lập Pháp giận dữ, TNS Mansfield hăm dọa Tổng Thống, nếu Nixon không ngưng oanh tạc tại Miên ông sẽ không có ngân khoản để điều hành Chính phủ

“Nếu Tổng Thống không muốn ngưng oanh tạc Miên coi như ông không muốn Chính phủ hoạt động, Tổng Thống sẽ phải chịu trách nhiệm” (1).

Một số người ủng hộ TT Nixon tại Quốc Hội khuyên ông chấp nhận ấn định ngày ngưng ném bom, ông phải đồng ý, không thể làm gì khác. Rõ ràng là phe phản chiến đa số tại Quốc Hội muốn Nixon phải làm theo ý họ, như vậy ông phải chấp nhận oanh tạc bên Miên 45 ngày nữa.

Ngày 30 tháng 6 (1973), TT Nixon ký thành luật chấm dứt oanh tạc. Tu Chính Án nói

“Từ nay sẽ không có ngân khoản nào để yểm trợ trực tiếp hay gián tiếp các hoạt động  chiến đấu của Quân lực Mỹ tại tại Miên, Lào, Bắc Việt và Nam Việt hoặc ngoài khơi Miên, Lào, Bắc Việt, Nam Việt, và sau ngày 15 tháng 8 năm 1973, sẽ không có ngân khoản nào khác xử dụng cho mục đích này” (2)

Nixon nói thất bại này đã tước đoạt quyền cưỡng bức thi hành Hiệp Định của ông ở Việt Nam và khiến Hà Nội tha hồ rảnh tay với miền Nam. Quốc Hội lại xiết thêm quyền hạn của Tổng Thống về quân sự bằng War Powers Act, Luật Quyền Hạn Trong Chiến tranh. Nó ấn định ông Tổng Thống phải tham khảo với Quốc Hội trước khi đi can thiệp vào nước khác, TT có thể can thiệp trong 60 ngày không cần hỏi ý kiến Quốc Hội và thêm 30 ngày nữa nếu ông chứng minh được là vì an ninh của quân đội. Nếu Quốc Hội tuyên bố không cho phép ông thì quân lính phải rút về nước (trang 151)

Ngày 24/10 Nixon phủ quyết luật War Powers Act vì cho là nó xâm phạm vi hiến tới quyền hạn của ông Tổng Thống, nó sẽ hủy hoại khả năng can thiệp của Hoa Kỳ trong các cuộc khủng hoảng quốc tế cần thiết. Nhưng Lập Pháp đã đã phủ nhận veto của ông ngày 7/11, vì Nixon sợ rằng Hà Nội sẽ xâm lược miền  nam sẽ khiến Mỹ phải trả đũa…

Kết luận

Trong các cuộc tấn công qui mô của CSBV, họ thường đưa hết lực lượng vào trận đánh như cuộc Tấn công lễ Phục Sinh năm 1972 và Tổng tấn công năm 1975 để chiếm miền miền Nam.

TT Nixon nói: CSBV đã ném tất cả lực lượng của chúng trong trận Tổng tấn công mùa Lễ Phục sinh 1972: 14 Sư đoàn và 26 Trung đoàn độc lập được đưa vào miền Nam, chúng chỉ để lại một Sư đoàn và bốn Trung đoàn độc lập tại Lào và không để một lực lượng chính qui nào tại miền Bắc (3).

Trận Tổng tấn công 1975, theo hồi ký Văn Tiến Dũng chúng đưa 4 Quân đoàn 2, 3, 4 và Đoàn 232 (tương đương một Quân đoàn), chỉ để lại Quân đoàn 1 làm tổng trừ bị. Sau  khi chiến thắng nhanh chúng đưa nốt Quân đoàn 1 vào Nam, để trống hoàn toàn miền Bắc, chẳng thế mà Kissinger đã nói: chỉ cần một Lữ đoàn TQLC ta có thể chiếm được miền Bắc dễ dàng.

Mũi dùi tấn công của địch rất mạnh, nếu không có yểm trợ của Không quân Mỹ, của B-52 .. ta rất khó có thể đẩy lui địch. Theo lời TT Nixon nhờ oanh tạc của Không quân Mỹ năm 1972 mà quân đội BV bị đánh tơi tời, 75% xe tăng địch bị bắn cháy, một số Tiểu đoàn của chúng chỉ còn 50 người, tổng cộng số bị giết tại mặt trận lên tới hơn 100 ngàn

Cộng quân thảm bại trong trận tổng tấn công 1972, khoảng 100,000 cán binh bị giết 700 xe tăng bị bắn cháy (4)

Nixon nói Quân đội VNCH đã chận đứng cuộc Tổng tấn công của BV năm 1972 mà không có sự tham gia của bộ binh Mỹ. Nhưng họ vẫn cần sự trợ giúp của Không lực Mỹ. Chúng tôi không biết là nếu không có yểm trợ của Không lực Mỹ thì Quân đội VNCH có thắng hay không? nhưng chắc hẳn là một mình Không lực không thể thắng được. Đồng minh của chúng ta đã chận đứng trận đánh Lễ Phục Sinh (1972) ở dưới đất, và chúng ta oanh tạc nghiền nát địch (trang 151).

Ông Cao Văn Viên cũng có nhận xét nếu không được sự yểm trợ của Mỹ về không lực QLVNCH khó có thể giữ được An Lộc, bảo vệ được Kontum và chiếm lại được Quảng Trị, theo ông lúc nào còn yểm trợ của Không lực Mỹ thì VNCH vẫn còn có một cơ hội tốt để đẩy lui địch và sống còn.

Năm 1975 như đã nói trên, BV đưa hết lực lượng vào Nam để đánh xả láng trận cuối cùng: 5 Quân đoàn tức 15 Sư đoàn, cộng thêm khoảng 20 Trung đoàn độc lập, toàn bộ lực lượng địch lên tới 20 Sư đoàn (5), trong khi phía VNCH lính nhà nghề chỉ có 13 Sư đoàn, vì lãnh thổ quá rộng, quân số đã ít hơn lại phải trải mỏng ra các Quân khu cho nên đương đầu với những cuộc tiến công ồ ạt của địch vô cùng gian khổ. Trong khi đó Luật cấm oanh tạc tháng 8/1973 đã khiến miền Nam yếu thế, không thể cân bằng lực lượng với đối phương.

Sau khi ký Hiệp Định Paris khoảng nửa năm, Quốc Hội Dân Chủ Mỹ bắt đầu cắt giảm quân viện VNCH mỗi năm khoảng 50%:  Từ 2,1 tỷ tài khóa  1973 xuống còn một tỷ tài khóa 1974 và xuống còn 700 triệu tài khoá 1975 (6)

Chúng ta thấy rõ dã tâm của Quốc Hội Dân Chủ Mỹ, họ đã cố tình bức tử VNCH từ tháng 8/1973, đây là thời điểm là đảng phái bắt đầu đánh phá nhau: Cộng Hòa chủ trương giữ Đông Dương nhưng đối lập Dân Chủ muốn bỏ rơi không thương tiếc, họ chiếm đa số tại Quốc Hội: 56% Hạ Viện và 57% Thượng Viện.

Sự thực chỉ một quyết định cấm oanh tạc yểm trợ tại Đông Dương của Quốc Hội cũng đã quá đủ để bức tử miền Nam VN và toàn cõi Đông Dương.

Trọng Đạt

(1) “If The President does not want to stop the bombing in Cambodia but does want to stop the government from functioning” Manfield Warned, “that is the President’s responsibility”- No More Vietnams trang 180).

(2) “None of the funds herein appropriated under this Act may be expended to support direct or indirect combat activities in or over Cambodia, Laos, North Vietnam, and South Vietnam or off the shore of Cambodia, Laos, North Vietnam and South Vietnam by United States forces, and after August 15, 1973, no other funds heretofore appropriated under other any Act may be expended for such purposes” (sách nêu trên, trang 180)

(3) No More Vietnams trang 150

(4) Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975 trang 587

(5) Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của VNCH, trang 204

(6) Henry Kissinger, Years of Renewal trang 471

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *