GS.Lê Đình Thông-Thi sĩ Vũ Hoàng Chương

Năm 1975 miền Nam bị bỏ rơi và Cộng Sản thắng đại cái “đại thắng mùa xuân”, Huy Cận được cử vào Sai Gon cùng với một phái đoàn với mục đích thăm dò và chiêu dụ các văn nghệ sĩ miền Nam.

Dĩ nhiên người mà Huy Cận muốn gặp đầu tiên là Vũ Hoàng Chương, cũng vì tình bạn cũ và cũng nghĩ rằng nếu chiêu dụ được Vũ theo cách mạng thì mình lập được công lớn.


Vì vậy Huy Cận đã sửa soạn cuộc thăm viếng rất trọng thể. Lễ vật đến thăm Vũ Hoàng Chương gồm một chai rượu quy, một lọ đầy thuốc phiện và cũng không quên mang theo một bức hình Hồ Chí Minh.

Rượu và thuốc thì để biếu bạn, còn bức hình thì Huy Cận ước mong sẽ được Vũ Hoàng Chương đề tặng cho mấy vần ca ngợi để có bằng chứng báo cáo lấy công đầu.

Cuộc gặp gỡ diễn ra tốt đẹp sau bao năm xa cách. Vũ Hoàng Chương đón Huy Cận như một bạn cố tri nồng nàn vui vẻ.
 Sau khi Huy Cận ngỏ ý muốn Vũ đề thơ thì Ông trầm mặc không nói gì. Huy Cận khi ra về có hẹn ba ngày sau sẽ cho người đến xin lại bức hình, Vũ Hoàng Chương cũng chỉ ậm ừ tiễn bạn.

Đúng ba ngày sau khi nhân viên của Huy Cận tới thì thấy trên bàn vẫn còn y nguyên hai món lễ vật và bức hình, Vũ Hoàng Chương không hề đụng tới mặc dù rượu với thuốc phiện đối với ông là rất quy hiếm.
Còn bức hình thì vẫn chỉ là bức hình như khi đem tới, không một nét chữ đề. Được báo cáo lại, dĩ nhiên là Huy Cận tím mặt. Nhưng ông biết tính họ Vũ là người không dễ lung lạc nên cũng đành thôi.

Vũ Hoàng Chương, ông quả là một người có khí phách. Ông có một cơ hội an thân nhưng ông đã không làm, chỉ vì tấm lòng ông “một tấc thành” nên ông phải giữ tiết tháo, không a dua theo thời cuộc.
Thế là lại có thêm một cái ‘họa’. Nhưng như thế vẫn chưa hết.

Chê thơ Tố Hữu và dạy Cộng Sản cách làm thơ.

Theo một bài đăng trên “net” của tác giả Sông Lô viết về Vũ Hoàng Chương nhận xét thơ Tố Hữu, được biết phái đoàn từ Bắc vô Nam cùng với Huy Cận như đã nói ở đoạn trên còn có nhiều nhân vật sáng giá khác như Tố Hữu, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Vũ Đình Liên,..

Phái đoàn được ký giả nằm vùng Thanh Nghị tiếp đón và tổ chức một đêm ”họp mặt văn nghệ” với các nhân vật gạo cội miền Nam để cùng đánh giá văn hoá hai miền ngõ hầu thống nhất tư tưởng về một mối.

Buổi họp này Vũ Hoàng Chương đã được mời và có tham dự. Đề tài được đưa ra là mấy câu thơ của Tố-Hữu đã làm để khóc Stalin khi ông trùm đỏ Nga Sô này chết vào năm 1953.
Hai câu thơ đã gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cùng đầy đủ tiếng khen chê đối với tên trùm văn nghệ Cộng Sản này là câu:
“Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười “

Thanh Nghị với tư cách nằm vùng theo Cộng Sản từ lâu, coi như đại diện miền Nam, dĩ nhiên ca ngợi thơ Tố Hữu hết mình.
Rồi lần lượt đến Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Đình Liên từ ngoài Bắc vào lên diễn đàn thì khỏi nói.
Cũng cần có một tiếng nói miền Nam cho xôm tụ, cho nên Hoài-Thanh khẩn khoản mời Vũ Hoàng Chương lên phát biểu với dụng ý là họ Vũ, một thi bá đương thời, nhưng vốn người trầm mặc hiền hoà chắc cũng chỉ vuốt theo mà không nói điều gì nghịch ý.

Xin trích nguyên văn sau đây một đoạn của Sông Lô:
“Ai đã biết Vũ Hoàng Chương ắt phải biết cái đanh thép bên trong tấm thân nhỏ bé ọp ẹp của ông. Đôi ba lần tạ từ không được, đành nhảy vào ưỡn ngực “hò kéo pháo”, nhưng trước khi vào cuộc họ Vũ đã yêu cầu cử tọa thông cảm nếu có chỗ nào thất thố vì ông sợ rằng những gì ông muốn trình bày sẽ làm tổn thương cái ‘sáng giá’ của đêm họp ‘văn nghệ đặc biệt’ này, bởi vì ‘tất tần tật’ đã thẩm định rồi.”

Sau đây là lời của Vũ Hoàng Chương:

“Thi nhân từ cảm xúc mỗi lúc tác động vào tâm cảnh của mình, để hồn trí phản ứng theo thất tình con người mà vận dụng thi tứ phổ diễn nên lời một tình tự nào đó, rồi đãi lọc thành thơ. Sự vận dụng càng xuất thần, việc phổ diễn càng khẩu chiếm, thơ càng có giá trị cao.

Cảm xúc trước cái chết của một thần tượng được ‘đóng khung’ tự bao giờ trong tâm cảnh mình, Tố Hữu đã xuất thần vận dụng nỗi u hoài, phổ diễn nên những lời thơ thật khẩu chiếm, rồi dùng những từ thật tầm thường, ít thi tính, đãi lọc nỗi u hoài của mình thành một tiếng nấc rất tự nhiên, đạt đến một mức độ điêu luyện cao.

Lời thẩm định của Thanh Nghị thật xác đáng, tôi chịu. Nhưng thơ không phải chỉ có thế. Xuất thần khẩu chiếm thuộc phạm vi kỹ thuật, dù đã có thi hứng phần nào, và nếu chỉ có thế thì thơ chỉ có khéo mà thôi, chưa gọi là đạt; tức chưa phải là hay.

Thơ hay cần phải khéo như thế vừa phải đạt thật sự. Thi hứng nằm trong sự thực của tình tự phổ diễn nên lời.
 Tình tự mà không thực, lời thơ thành gượng ép. Vấn đề của thơ, nói cho đến nơi, là ở đây, có nghĩa là thơ phải thực.

Tố Hữu đặt tiếng khóc của chính mình vào miệng một bà mẹ Việt Nam, muốn bà dùng mối u hoài của một nhà thơ để dạy con trẻ Việt Nam yêu cụ Stalin thay cho mình. Cũng chẳng sao vì đó cũng là một kỹ thuật của thi ca; nhưng trước hết phải biết bà mẹ Việt Nam có cùng tâm cảnh với mình không, có chung một mối cảm xúc hay không?

Tôi biết chắc là không. Bởi trong đoạn trên của hai câu lục bát này trong bài ‘Đời Đời Nhớ Ông’ Tố Hữu đã đặt vào lời bà mẹ hai câu:
“Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin.”

Chắc chắn là không có một bà mẹ Việt Nam nào, kể cả bà Tố Hữu, mà thốt được những lời như vậy một cách chân thành.
Cái không thực của hai câu này dẫn tới cái không thực hai câu sau ta đang mổ xẻ.
Một tình tự không chân thực, dù đươc luồn vào những lời thơ xuất thần, khẩu chiếm đến đâu cũng không phải là thơ đẹp, thơ hay, mà chỉ là thơ khéo làm; đó chỉ là thơ thợ chứ không phải là thơ tiên.

Loại thơ khéo này người thợ thơ nào lành nghề cũng quen làm, chẳng phải công phu lắm. Nhất là nếu có đòi hỏi một tuyên truyền nào đó.
Tố Hữu nếu tự khóc lấy, có lẽ là khóc thực, khóc một mình. Nhưng bà mẹ Việt Nam trong bài đã khóc tiếng khóc tuyên truyền, không mấy truyền cảm“.

Vẫn theo lời kể của Sông Lô thì lời thẩm định này đã gây sôi nổi trong đám thính giả có mặt hôm đó.
Muốn phản bác luận điệu của Vũ Hoàng Chương, có người đã yêu cầu ông nói về thơ để hòng bắt bẻ này nọ, nhưng ông vẫn ôn tồn phát biểu:

image.png


“Thơ vốn là mộng, là tưởng tượng, là tách rời thực tế, nhưng mộng trên những tình tự thực. Không chấp nhận loại thơ tình tự hoang.
Có khoa học giả tưởng, không có thơ giả tưởng. Nói thơ là nói đến thế giới huyễn tưởng, huyễn tưởng trên sự thực để thăng hoa sự thực, chứ không bất chấp, không chối bỏ sự thực.
Nhà thơ không được láo; nhà thơ phải thực nhưng thoát sáo sự thực thành mộng để đưa hồn tính người yêu thơ vươn lên sự thực muôn đời đạt đến chân lý cuộc sống. Thiên chức thi ca là ở chỗ đấy.

“Tôi xin nhắc ; sự thực muôn đời là cơ sở duy nhất của thi ca; vì có sự thực cho riêng một người, có sự thực cho riêng một thời, nhưng vẫn có sự thực cho muôn đời, sự thực bao quát không gian, thời gian, chân lý cuộc sống.”
Sau đêm hôm ấy, hình như có một buổi họp khẩn cấp của các “nhân vật then chốt” cộng sản, và Vũ Hoàng Chương đã bị bắt.

Như vậy cái tội phản động của thi sĩ họ Vũ không phải là một mà có đến ba : bắt đầu từ bài thơ thời sự , kế đến không nể nang tình bạn và sau cùng là đã dạy khôn cho kẻ đang thắng thế.
Theo Sông-Lô thì Vũ-hoàng-Chương không phải là người dại, cũng không phải người can đảm mà Ông chính là người của tự do không phải quy lụy trước bất cứ một áp lực nào.’’

Trích đoạn trên đây nói lên khí phách của nhà thơ miền Nam trước sự thấp hèn của những kẻ dối lòng, tự biến thành ông cai văn nghệ, ra oai tác quái với những cây bút chân chính.
Nhưng không chỉ có thế. Di ngôn của thi bá họ Vũ còn là bản tuyên ngôn của các nhà văn, nhà thơ chân chính, không bẻ cong ngòi bút, chỉ nói lên những điều mắt thấy tai nghe, cho dù vì nói thật, nói thẳng mà phải mất mạng.
Vũ Hoàng Chương thẳng thắn phê bình bài thơ của Tố Hữu nịnh bợ Stalin vốn là đồ tể trời tây.

Theo sử gia Norman M. Naimark chuyên về thời kỳ xô viết của Đại Học Stanford, trong thập niên 30, Stalin ra lệnh cho cục Goulag bắt giam rồi hạ sát từ 15 đến 20 triệu người vô tội trong các trại tập trung ở miền băng giá Sibérie.

Con gái Stalin là Svetlana cảm thấy nhục nhã, từ bỏ họ cha, lấy họ mẹ Allilouïeva, tỵ nạn chính trị ở Hoa Kỳ.
Vậy mắc mớ gì mà Tố Hữu bẻ cong ngòi bút, thương vay khóc mướn đao phủ thủ giết người không gớm tay:
Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin.

Ta hãy so sánh giữa vần thơ giả tạo của Tố Hữu và bài thơ nói lên thực trạng miền Nam vào ngày tết âm lịch đầu tiên vắng bóng cờ vàng:
“Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn, om sòm rối bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh”

GS.Lê Đình Thông

You may also like...