“Mộng trùng lai không có ở trên đời” là câu thơ trong bài thơ Lời Vĩnh Biệt của Bùi Giáng được nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành bản nhạc Mùa Thu Chết.
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng đựợc nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó …
Đây là một câu thơ có vẻ kịch tính, chút tiêu cực, chút bi thương khơi dậy nét bi lụy nhất trong người thi sĩ. Câu thơ làm cô nhớ lại hai câu mình đã viết cách đây không lâu:
Em tìm anh giữa bao cơn giông bão
Đến đưa em ra khỏi cõi Ta Bà
Cô viết câu này trong tâm trạng buồn bã, tâm tư bi lụy. Anh và cô bây giờ là kẻ đầu Đông, người đầu Tây thì làm sao có thể đến dẫn cô đi được. Dù không biên giới giữa hai cõi hữu hình và vô hình, anh cũng không thể đem cô đi được. Anh có thể làm cô xanh xao bằng cách này hay cách kia nếu anh giận, hay khuyên bảo giúp cô vượt qua giông bão chứ không thể đem cô đi. Biết rằng điều đó sẽ không thể và sẽ không bao giờ xảy ra nhưng trong phút bi lụy nhất thường lóe lên những ý tưởng, những câu thơ đầy kịch tính. Ý nghĩ không bao giờ gặp lại người xưa thường được các thi sĩ, nhạc sĩ thi vị hóa trong thơ, trong nhạc mà thôi, trên thực tế nó không đúng bởi vì bao nhiều cuộc tình gặp gỡ, ly tan rồi lại gặp gỡ diễn ra mỗi ngày ở trên đời. Không chỉ gặp lại nhau trên cõi trần này mà kể cả ở hai thế giới, cuộc trùng phùng vẫn diễn ra. Điều mà trước kia cô cả tin, nhưng đã xảy ra với chính mình.
Thật ra, vì chúng ta hoạt động bằng con mắt phàm nên bị hạn hẹp bởi thế giới vật chất, bởi không gian thời gian. Trong các cõi giới khác là những rung động nguyên tử. Người cõi hồng trần bị hạn chế bởi không gian vật chất, nhưng người cõi trung giới (Bardo) thì hoàn toàn không, họ hoạt động bằng tư tưởng. Cuộc gặp gỡ giữa cô và anh là mộng trùng lai thật sự có ở trên đời, mặc dù anh bây giờ không còn thân vật chất.
Chưa hết, những người mà chúng ta có mối quan hệ ở kiếp này là chúng ta đã có nhân duyên gặp gỡ từ kiếp trước. Không có điều gì là ngẫu nhiên. Đó là sự trùng lai từ kiếp trước đến kiếp này. Câu thơ ” mộng trùng lai không có ở trên đời” là một câu thơ giãy giụa, bi đát khiến chúng ta giam giữ mình trong con mắt phàm, trừ phi chúng ta nhìn từ một lăng kính khác.
Khi sự tiến hoa tâm linh càng cao, con người hoạt động càng nhiều ở cõi tư tưởng. Chúng ta sẽ gặp lại những người ta thương yêu bất cứ lúc nào, chỉ cần cảm và nghĩ đến. Và cũng ở đó, ta có thể có biết bao nhiêu cuộc trùng lai mà không cần phải “đợi em từ ba mươi năm” như Vũ Hoàng Chương.
05.25.2020
Lê Diễm Chi Huệ